Kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội

Xây dựng hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại (Tiếp theo và hết) (★)

Bài 3: Đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp

Quá trình mở rộng địa giới hành chính đặt ra cho Hà Nội những yêu cầu mới về việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là tại khu vực ngoại thành, vùng mới được hợp nhất về Thủ đô. Thành phố đã huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng theo quy hoạch các công trình này, tạo đổi thay mạnh mẽ về công tác cấp thoát nước, chỉnh trang đô thị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Công viên Hòa Bình được đầu tư xây dựng, tạo thêm không gian xanh cho thành phố. Ảnh: VŨ LONG
Công viên Hòa Bình được đầu tư xây dựng, tạo thêm không gian xanh cho thành phố. Ảnh: VŨ LONG

Cách đây tròn một năm, gia đình bà Lê Thị Ứng cùng hàng trăm hộ dân ở thôn 2 xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất rất phấn khởi khi “giấc mơ” nước sạch chảy vào từng nhà đã trở thành hiện thực. Gọi là giấc mơ quả thật không sai, bởi trước đó gần chục năm, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, người dân quanh năm phải đi mua nước sinh hoạt với giá từ 80 đến 120 nghìn đồng/m3 từ các xã cách xa ba đến bốn ki-lô-mét . Hạn chế vệ sinh, nước rửa rau để dành rửa bát, các thiết bị như bình nóng lạnh hay máy giặt chỉ “làm cảnh” vì thiếu nước. Nhà nào dùng tiết kiệm, một tháng cũng tốn trên dưới một triệu đồng tiền mua nước sinh hoạt. Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn Chu Mạnh Hà cho biết, sau nhiều năm người dân bị thiếu nước sinh hoạt, đầu năm 2017, thực hiện chủ trương xã hội hóa cấp nước sạch của thành phố, Công ty Đồng Tiến Thành Hà Nam đã đầu tư đường ống cấp nước từ nguồn nước sạch sông Đà cho 10 xã làng nghề của Thạch Thất, trong đó có xã Chàng Sơn. Được sự ủng hộ của người dân, dự án đã nhanh chóng triển khai và chính thức vận hành từ đầu tháng 8-2017. “Từ ngày có nước sạch, nhân dân rất phấn khởi vì không những bảo đảm sức khỏe mà còn tiết kiệm chi phí, nhà nào dùng nhiều nước cũng chỉ tốn khoảng 200 nghìn đồng tiền nước/tháng. Đến nay, 96% các hộ dân tại Chàng Sơn đã dùng nước sạch”, ông Chu Mạnh Hà thông tin.

Nhờ chủ trương xã hội hóa việc đầu tư hệ thống nước sinh hoạt, đến nay thành phố đã có 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước sạch với tổng kinh phí gần 10 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đã đạt 52%, với tiêu chuẩn chất lượng nước sạch đô thị. Khi 34 dự án cấp nước trên hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch lên tới 94% (tương đương khoảng 4 triệu dân). Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa trung tâm, khó tiếp cận mạng lưới cấp nước từ các nhà máy nước tập trung, thành phố sẽ nhân rộng mô hình cấp nước theo hộ, cụm dân cư sử dụng công nghệ lọc nước hiện đại, phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ người dân nông thôn có nước sạch sử dụng. Cùng với đó, việc cấp nước sạch khu vực nội thành cũng tốt hơn. Tình trạng mất nước, thiếu nước sạch, nhất là trong thời gian cao điểm nắng nóng ngày càng giảm.

Trong lĩnh vực thoát nước, thành phố đang tập trung thực hiện cải tạo, chỉnh trang sông Nhuệ, sông Đáy, nâng cao hiệu quả tiêu thoát nước khu vực ngoại thành; hoàn thành dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2, góp phần hạn chế úng ngập, bảo đảm vệ sinh môi trường, do nước thải được tách khỏi hệ thống thu gom nước mưa, không xả trực tiếp ra ao, hồ, sông,... Thành phố đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các cơ sở xử lý nước thải sinh hoạt, gồm các trạm Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu; Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì, với chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường, nâng tổng công suất nước thải được xử lý lên hơn 261 nghìn m3/ngày đêm, đạt 32% tổng lượng nước thải cần xử lý. Xử lý ô nhiễm môi trường nước 130 hồ bằng nguồn xã hội hóa để cải thiện môi trường nước hồ, đồng thời bổ sung lắp đặt máy sục khí, bè thủy sinh, nạo vét bùn đáy để tăng cường khả năng làm sạch của hồ, góp phần duy trì chất lượng nước hồ sau xử lý và tạo cảnh quan khu vực.

Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và làm sạch đường phố cũng có chuyển biến rõ rệt qua việc cải tiến quy trình đấu thầu thu gom rác, giúp giảm kinh phí ngân sách, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác vệ sinh môi trường. Đường phố sạch sẽ hơn, giảm bụi nhờ việc sử dụng xe quét rác thay cho lao động thủ công như trước đây. Các công ty môi trường đã đặt gần 6.300 thùng rác trên các tuyến phố; thay đổi phương thức thu gom rác bằng xe cơ giới. Đến nay, người dân đã quen bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giảm lượng rác tồn đọng trên lòng đường, hè phố, các khu đất trống. Thành phố triển khai đầu tư 12 khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch; kêu gọi đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại tại xã Tả Thanh Oai, Khu xử lý chất thải Đồng Ké, Khu xử lý rác thải Xuân Sơn.

Công tác chỉnh trang, nâng cấp đô thị được triển khai đồng bộ. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới, như Công viên Hòa Bình, Yên Sở; Vườn hoa Nguyễn Lương Bằng, Hàng Trống, Cổ Tân; cải tạo, chỉnh trang các Công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ, Lê-nin, vườn hoa Lý Tự Trọng... Nhiều tuyến phố được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; 58 tuyến phố đã được hoàn thành xây dựng công trình hạ ngầm; 500 tuyến phố được thanh thải, sắp xếp và bó gọn đường dây cáp đi nổi. Hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị được đầu tư theo chiều sâu, nâng cao tính mỹ thuật, góp phần làm thành phố đẹp hơn.

Đại diện Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, để có được những kết quả trên là nhờ triển khai đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành; đầu tư xây dựng các dự án phát triển đô thị; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khai thác các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, công tác cấp, thoát nước, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật còn một số hạn chế như các quy hoạch, quy định trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật thường xuyên phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, dân số tăng. Một số công trình hạ tầng kỹ thuật thiếu vốn, tiến độ thi công chậm.

Về định hướng phát triển đô thị trong những năm tới, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, thành phố sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ các khu đô thị mới theo tiêu chuẩn xanh - văn hiến - văn minh; triển khai xây dựng năm đô thị vệ tinh gắn với xử lý tốt hơn những vấn đề về nhà ở, xử lý chất thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước của thành phố, đồng thời tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải để nâng công suất xử lý nước thải. Triển khai dự án thoát nước lưu vực tả sông Nhuệ; khu vực quận Long Biên, quận Hà Đông và một số khu đô thị mới bị úng ngập... Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đối với các cụm công nghiệp; tiến độ đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại. Phấn đấu hoàn thành Chương trình trồng một triệu cây xanh, các dự án khu công viên và hồ điều hòa phía bắc và phần mở rộng phía nam Công viên Mai Dịch; Công viên Nhân Chính; Công viên Khu đô thị mới Dương Nội; Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang; Công viên CV1 và Công viên vui chơi giải trí Kim Quy, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

--------------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 27-7-2018.