FDI - Ðộng lực thúc đẩy kinh tế Thủ đô

Mười năm qua, TP Hà Nội luôn chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về đối ngoại và phát triển kinh tế đối ngoại nói chung, thu hút FDI nói riêng, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Sau khi mở rộng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Hà Nội có sự tăng trưởng vượt trội cả về lượng và chất, nhất là về vốn thực hiện và vốn trong lĩnh vực công nghệ cao, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế Thủ đô. Nếu cả giai đoạn từ năm 1989 đến 2007, Hà Nội thu hút 1.253 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt gần 15 tỷ USD; bình quân thu hút 66 dự án/năm; vốn FDI thực hiện đạt 5,13 tỷ USD (chiếm 35,2% vốn đăng ký, dưới mức trung bình cả nước), thì giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2017, Hà Nội thu hút được 3.237 dự án FDI, vốn đăng ký 19,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 10,6 tỷ USD (tỷ lệ đạt 55,2%). Tính đến hết năm 2017, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực là 4.250 dự án, với vốn đăng ký 27,64 tỷ USD. Các quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Hà Nội là Xin-ga-po (5,5 tỷ USD), Nhật Bản (5,38 tỷ USD), Hàn Quốc (5,34 tỷ USD). Tám khu công nghiệp (KCN) tại Hà Nội hiện có 629 dự án đầu tư, trong đó có 325 dự án FDI (vốn đăng ký 5,4 tỷ USD) và 304 dự án trong nước (vốn đăng ký 13.386 tỷ đồng); doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách 180 triệu USD (tăng ba lần). Các ngành nghề, lĩnh vực thu hút được lượng vốn đầu tư lớn là điện - điện tử (52,35%) và cơ khí (16,98%). Sáu tháng đầu năm nay, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số dự án FDI được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký mới là hơn 5,5 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đăng ký cấp mới của cả nước.

Các dự án FDI đã tạo động lực cho tăng trưởng, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Nếu cơ cấu kinh tế của Hà Nội năm 2008 là: Dịch vụ chiếm 56,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 28,7%; nông nghiệp 4,3%, thì năm 2017, cơ cấu các ngành tương ứng là: 57,6%; 29,7% và 2,9%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, đóng góp 17% cho GDP và khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô. Ðóng góp vào tổng thu ngân sách thành phố tăng từ 10% giai đoạn năm 2005 - 2012, nâng lên 13% giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ trọng các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ngày càng tăng; Nhiều dự án lớn đang tích cực giải ngân, mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu (Samsung, Nokia, LG...), với sản phẩm mới, công nghệ, kỹ thuật cao (điện thoại di động, hệ thống điện xe ô-tô, linh kiện máy ảnh, phần mềm, ti-vi màn hình phẳng, xe máy, linh kiện kỹ thuật số...) Thông qua hoạt động của các dự án FDI, Hà Nội đã tiếp nhận được một số công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong nhiều ngành kinh tế quan trọng, như: viễn thông, điện tử, công nghiệp sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô-tô, sản xuất hóa chất, xây dựng quản lý khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm chất lượng cao… góp phần làm tăng giá trị sản lượng, tăng năng suất lao động và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố...

Những kết quả nêu trên có được là nhờ Thành ủy, HÐND, UBND thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế và cụ thể hóa trong quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại, cũng như trong kế hoạch hoạt động đối ngoại hằng năm của thành phố. Thành phố hết sức quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đẩy mạnh đào tạo lao động; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào các đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài, chủ đầu tư dự án thuộc các ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn . Mới đây, tại hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển", thành phố trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 397.335 tỷ đồng (17 tỷ USD), trong đó có 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 5,4 tỷ USD.

Từ kết quả thu hút FDI mười năm qua, thành phố rút ra những bài học quý, tiếp tục chủ động xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù; tăng năng lực, hiệu lực và hiệu quả khai thác các động lực phát triển kinh tế phù hợp với khung chính sách chung cả nước, với tinh thần Luật Thủ đô và các thỏa thuận của Hà Nội với các đối tác quốc tế, nâng cao vai trò đầu tàu kinh tế và củng cố vị thế Thủ đô...