Những cách biểu đạt văn hóa mới

Văn hóa vốn đa dạng các hình thức biểu đạt. Việc tìm ra những cách biểu đạt mới càng làm phong phú thêm cho văn hóa và cũng chứng minh một bước phát triển về nhận thức trong cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, khi họ tự hào và tự tin lan tỏa những giá trị văn hóa của mình.

Ðiệu múa Vui hội mùa lúa được các sinh viên người Thái và người H’Mông cùng trình diễn.
Ðiệu múa Vui hội mùa lúa được các sinh viên người Thái và người H’Mông cùng trình diễn.

Truyền thông điệp về sự hòa đồng đa dạng

Mở đầu cuộc tọa đàm "Khoảnh khắc đạo đức" trong chuỗi sự kiện "Tôi tin tôi có thể 2020" được Mạng lưới Tiên Phong tổ chức và thực hiện, là tiết mục múa "Vui hội mùa lúa" được các em sinh viên người H’Mông và người Thái đang học tập tại Hà Nội cùng biểu diễn. Những em người Thái cầm ống bương lấy nước. Các em người H’Mông cầm ô và những bó lúa vàng. Tất cả cùng hào hứng diễn tả niềm vui lao động sản xuất để có ngày mùa bội thu.

Người Thái và người H’Mông ở Việt Nam có lịch sử tộc người và những đặc điểm văn hóa hoàn toàn khác nhau. Họ cũng thường cư trú trên những địa bàn khác nhau, không cùng độ cao, không cùng tập quán canh tác, không cùng phong tục, tập quán, tín ngưỡng…

Ðiệu múa "Vui hội mùa lúa" lấy ý tưởng từ cuộc sống sinh hoạt đời thường của đồng bào ở các bản làng khác nhau đã diễn tả sự gắn kết không chỉ dân tộc Thái hay dân tộc H’Mông mà cả với nhiều dân tộc khác nhau. Những người dàn dựng và thể hiện tiết mục múa cùng muốn truyền tải thông điệp về sự tôn trọng đa dạng của văn hóa, hơn thế, nó còn thể hiện tinh thần cởi mở giao lưu và sự phong phú trong phương thức biểu đạt văn hóa của các tộc người.

Ðiều đặc biệt đáng nói là điệu múa đó và cả chương trình "Tôi tin tôi có thể 2020", từ việc chọn MC cho đến công tác hậu cần… đều do các cộng đồng trong Mạng lưới Tiên Phong tự lo liệu.

Trong chuỗi sự kiện "Tôi tin tôi có thể 2020", đồng bào các dân tộc còn cùng với các nghệ sĩ trẻ tìm tòi những cách biểu đạt mới những đường nét văn hóa của mình thông qua/và kết hợp với nghệ thuật đương đại.

Trình diễn đa phương tiện "Hú khoằn" (tiếng Thái: Hồn vía) gồm nhiều lớp, nhiều chất liệu mang tải thông tin để nói về sự thiêng liêng và gần gũi của những "hồn vía" bảo vệ con người và giúp con người có những mối quan hệ tốt với các "hồn vía" khác cũng như sự giao hòa thấu cảm giữa con người với các "hồn vía".

Tâm thức người Ê Ðê cho là đất tạo ra người và người sống vì đất. Hằng năm, họ có tục cúng đất, vun đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Người Ê Ðê còn có luật tục nhận con nuôi. Khi một gia đình nhận con nuôi thì con đẻ và con nuôi được đối xử như nhau từ việc nuôi dạy cho đến quyền thừa kế, không phân biệt tình cảm. Những mối liên kết xúc động đó - giữa người với đất, giữa người với người - đã tạo cảm hứng cho sắp đặt trình diễn "Hòn đất có dạng" bằng đất sét trộn với đất vườn nhà.

Hoặc bài đồng dao của người Chăm ở Ninh Thuận nói về sự giận hờn để hiểu thêm tình cảm của nhau, để cùng đi đến sự đồng cảm đã "làm nền" tạo nên tác phẩm sắp đặt video "Ginaong" (giận hờn). Các phim tài liệu ngắn Cây cầu ước mơ, Tiếng Then, Con đường chúng tôi đi, Truyện bên bếp lửa được cộng đồng tự làm tại nơi họ sinh sống như những lời tự sự về những vấn đề của chính họ từ góc nhìn của người trong cuộc…

Chia sẻ - lắng nghe - thấu hiểu

Ðiều khác biệt của những âm thanh của đa dạng văn hóa tộc người vang lên trong lần tổ chức chuỗi sự kiện "Tôi tin tôi có thể 2020" là từ chính ngôi nhà của đồng bào. Lần đầu tiên sự kiện "Bản hòa ca đa sắc" được bà con tự tổ chức ở 14 đầu cầu địa phương và giao lưu trực tuyến với các nhóm dân tộc khác qua facebook event của chương trình. Qua việc cùng giao lưu trình diễn, các cộng đồng dân tộc đã có nhận thức chung về sự tôn trọng giá trị văn hóa khác nhau để văn hóa của tất cả các tộc người đều "chảy" chung trong đa dạng - qua đó sự đa dạng giữa các hình thức thực hành văn hóa được chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu

Bà Nguyễn Thùy Linh, Ðiều phối viên chương trình Dân tộc thiểu số (dưới sự hợp tác của Viện iSEE và Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng CECEM) chia sẻ: "Qua việc cùng trình diễn và giao lưu online, các nhóm dân tộc thiểu số, là những người ít có cơ hội xuất hiện, không chỉ giới thiệu được những nét đặc sắc của mình, mà họ còn tự "làm giàu" mình bằng những thực hành văn hóa - ở đó có câu chuyện riêng, thế giới quan, cách tổ chức xã hội, những giá trị nhân văn mà mỗi cộng đồng hướng tới".

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Khoảnh khắc đạo đức", một trong các sự kiện chính của Chương trình "Tôi tin tôi có thể 2020", ông Alan McGreevey, Bí thư thứ hai Ðại sứ quán Ireland, đánh giá: "Một loạt các sự kiện biểu diễn âm nhạc và vũ điệu truyền thống, tọa đàm, triển lãm nghệ thuật do người dân tộc thiểu số tự thực hiện để giới thiệu và tôn vinh di sản văn hóa truyền thống đã xây dựng được sự tự tin cũng như cổ vũ cho đa dạng văn hóa và các giá trị bản địa".

Mạng lưới Tiên Phong tổ chức hội tụ đại diện 16 nhóm dân tộc thiểu số ở 20 tỉnh, thành phố khác nhau, cùng hướng đến mục tiêu gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo tồn và phát huy những giá trị tri thức bản địa, và tạo ra sự hiểu biết đúng đắn về dân tộc của mình và các dân tộc thiểu số nói chung.