Việt Nam vượt thách thức để đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

NDO -

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, công cuộc phòng, chống AIDS vẫn còn ở phía trước nhưng những gì mà Việt Nam đã ứng phó với đại dịch là niềm tự hào, là hành trang quý báu để đi đến thắng lợi cuối cùng, chấm dứt đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, sáng 1-12, Bộ Y tế tổ chức mitting hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và tổng kết 30 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại sứ các nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả ba tiêu chí đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3% và theo ước tính của các chuyên gia, chỉ tính riêng trong vòng 15 năm qua chúng ta đã tránh cho được khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV và cứu được khoảng 200 nghìn người không bị tử vong do AIDS.

Đây là những con số rất ấn tượng và được Cơ quan điều phối của Liên hợp quốc về phòng, chống AIDS (UNAIDS) đánh giá Việt Nam là một trong bốn quốc gia cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới.

Mặc dù nhiều kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới cũng còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, hiện nay dịch HIV vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với gần 10 nghìn trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng hai nghìn người tử vong mỗi năm. Vẫn còn khoảng 40 nghìn người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình.

“Mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS khi còn một nghìn trường hợp nhiễm HIV mới một năm. Như vậy phải giảm số nhiễm HIV được phát hiện giảm đi 10 lần vào năm 2030. Đây là mục tiêu chắc chắn đầy tham vọng và thách thức”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến, đó sẽ là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế như: dịch vụ xét nghiệm và người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ điều trị, tuân thủ điều trị.

“Nếu chúng ta không giải quyết tốt nhiệm vụ này sẽ khó đạt được mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 thì cũng sẽ không thể chấm dứt cơ bản được dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 như mục tiêu đã đặt ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương không được phép chủ quan, lơ là phòng, chống dịch. Phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp với ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

Việt Nam vượt thách thức để đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 -0
 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu.

Thực hiện tốt công tác liên thông trong khám chữa bệnh, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; Người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus ARV sớm và tham gia bảo hiểm y tế. Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu được và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV/AIDS.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, trong giai đoạn tới, công tác phòng chống AIDS cần tiếp tục được triển khai một cách mạnh mẽ hơn với các giải pháp chuyên môn kỹ thuật và xã hội trong Luật HIV/AIDS sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội XIV, là điều kiện thuận lợi quan trọng cho thắng lợi cuối cùng.

Việt Nam cũng mong muốn và đề nghị Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, các sáng kiến mới, các thực hành tốt từ đó giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Việt Nam vượt thách thức để đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 -0
 

Tại hội nghị, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng 2 cho tập thể Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tại lễ mít-tinh, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Với cam kết chính trị và vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay mọi người dân Việt Nam đều có thế được điều trị kháng HIV ngay sau khi có chẩn đoán nhiễm, các chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm cả những can thiệp mới và rất hiệu quả như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện (OST) đều đang được mở rộng đáng kể.

Tất cả các phương thức xét nghiệm HIV bao gồm xét nghiệm do cộng đồng thực hiện và tự xét nghiệm đều đã có ở Việt Nam, và các cộng đồng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV đã và đang ngày càng tham gia, đóng góp nhiều hơn và có ý nghĩa hơn cho đáp ứng với HIV, đặc biệt là trong những nỗ lực giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Năm 2020 này, Việt Nam cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030 và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận tới các dịch vụ phòng, chống HIV cho mọi người dân có nhu cầu, cũng như đảm bảo tính bền vững của đáp ứng quốc gia với HIV/AIDS.

Việt Nam đã và đang là một điểm sáng trong đáp ứng với HIV ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với việc nhanh chóng áp dụng và mở rộng các sáng kiến mới, các cách tiếp cận dựa trên bằng chứng và có giá trị thực tiễn trong phòng, chống HIV/AIDS.

Nỗ lực của các bạn trong việc khống chế dịch HIV cũng đóng góp đáng kể cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác, trong đó có thể kể đến Mục tiêu Phát triển Bền vững về Bình đẳng giới, Giảm bất bình đẳng và về Xây dựng quan hệ đối tác cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững.