Việt Nam là mô hình điểm cho các nước có gánh nặng cao về bệnh lao

NDO -

NDĐT – 60 năm qua, chiến lược đào tạo và lồng ghép với hệ thống y tế chung và thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp của ngành y tế đã đưa một đất nước có có gánh nặng bệnh lao cao như Việt Nam có được những thành tựu được thế giới đánh giá cao.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Bộ môn Lao và bệnh phổi.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Bộ môn Lao và bệnh phổi.

Sáng 20-11, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bộ môn Lao và bệnh phổi và đón nhận huân chương Lao động hạng Nhì.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trải qua hơn 60 năm kể từ ngày thành lập, Bộ môn Lao và bệnh phổi đã đảm nhận và thực thi nhiệm vụ của một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành y tế trong chuyên khoa lao và bệnh phổi.

Trong những năm gần đây, công tác phòng chống lao và bệnh phổi đã có những nhiều tiến bộ rõ rệt, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy hướng đi của Việt Nam hoàn toàn đúng và tiếp tục là mô hình điểm cho các nước có gánh nặng bệnh lao cao triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao của Tổ chức Y tế Thế giới.

“Việt Nam cam kết cùng thế giới chấm dứt bệnh lao toàn cầu, đây là một mục tiêu rất tham vọng nhưng hết sức có ý nghĩa vì cứu sống hàng chục ngàn người dân Việt Nam mỗi năm, đồng thời vừa là động lực lớn với các nước trên thế giới về mô hình tốt đã làm giảm dịch tễ bệnh lao”, Bộ trưởng nói.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hơn 60 năm qua, mạng lưới phòng chống lao đã được thiết lập tại 51 bệnh viện chuyên khoa, có các kỹ thuật cao trong chẩn đoán chuyên ngành. Ngành y tế cũng đã thành lập các trung tâm ung thư phổi dựa trên mạng lưới phòng chống lao với mục tiêu chuẩn hoá các kỹ thuật thường quy cho ung thư phổi; cập nhật, phát triển các kỹ thuật hiện đại; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho toàn tuyến.

Thấm nhuần chỉ đạo của BS Phạm Ngọc Thạch từ những năm 60 “Chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước thì chẩn đoán bệnh lao mới bớt sai lầm”, Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương đã đào tạo thường quy cùng bộ môn chiến lược thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp bao gồm: lao, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm đường hô hấp…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống lao hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo báo cáo của WHO, năm 2018, Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng như các bệnh liên quan đến phổi đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức và chất lượng cuộc sống của người dân.

“Tôi hy vọng và mong muốn, Bộ môn Lao và bệnh phổi sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước, để tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục tập trung đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên sâu để có đủ năng lực đáp ứng với những thay đổi của tình hình bệnh tật”, Bộ trưởng Y tế nói.

Để giảm nhanh dịch tễ lao, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, cần phải áp dụng tối ưu các công cụ hiện có với bao phủ y tế toàn dân và bảo trợ xã hội cũng như áp dụng công cụ mới, thuốc mới, vaccine mới và tiếp cận mới, điều trị lao tiềm ẩn. Mục tiêu từ năm 2017 đến 2025, mỗi năm giảm 9% số ca mắc và từ năm 2025 đến 2030, mỗi năm giảm 15% số ca mắc.