Ưu tiên chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV/AIDS

Từ khi phát hiện trường hợp trẻ nhiễm HIV đầu tiên (năm 1994), công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho trẻ tại cộng đồng và gia đình ở nước ta luôn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn những khó khăn cần khắc phục.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện cả nước có 21 nghìn trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó có 6.800 trẻ bị nhiễm căn bệnh này. Trong đó, có khoảng năm nghìn trẻ nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2009. Cả nước có 345 cơ sở điều trị HIV/AIDS cho trẻ em, trong đó có 70 cơ sở tuyến tỉnh và 275 cơ sở tuyến huyện. Việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV trong những năm qua đã có những kết quả nhất định. Đến nay, đã có 70% số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ theo nhu cầu như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, hưởng chính sách hỗ trợ, xét nghiệm, chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi. Trước đây, tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV chỉ được xác định tình trạng nhiễm HIV khi đủ 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, việc chẩn đoán sớm HIV bằng xét nghiệm qua ADN cho phép phát hiện trẻ nhiễm HIV ngay trong thời kỳ sơ sinh. Với phương pháp này, sẽ phát hiện vi-rút HIV ngay từ khi bào thai được 4-6 tuần tuổi. Việc chẩn đoán sớm HIV giúp giải tỏa tâm lý cho gia đình; đưa trẻ nhiễm HIV vào chương trình điều trị kịp thời, hạn chế đáng kể tình trạng tử vong, giảm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đặc biệt, khi trẻ được điều trị sớm sẽ làm giảm lượng vi-rút, hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm cho các trẻ khác trong cộng đồng.

Cùng với việc chăm sóc trẻ tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi vi-rút HIV cũng được quan tâm chăm sóc khi sống cùng gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ. Các nhóm đồng đẳng viên (những người nhiễm HIV) đã giúp liên hệ giữa gia đình của trẻ với các phòng khám ngoại trú HIV để thúc đẩy chẩn đoán sớm, hướng dẫn làm thủ tục từ thời điểm chẩn đoán nhiễm HIV cho đến lúc bắt đầu chăm sóc và hỗ trợ duy trì, tuân thủ điều trị ARV. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã có quyết định về việc hướng dẫn chăm sóc trẻ tại gia đình và cộng đồng.

Phó Cục trưởng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH Vũ Thị Kim Hoa cho biết: Trẻ em là đối tượng phải chịu nhiều hậu quả nặng nề do HIV/AIDS, làm hạn chế, mất đi những quyền cơ bản mà các em được hưởng. Qua nghiên cứu Rà soát các chính sách hiện hành về trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống. Các chính sách đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc quan tâm đối với những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đối với trẻ nhiễm HIV/AIDS, nhiều trẻ nhiễm HIV chưa được đến trường... Còn thiếu các chính sách phòng ngừa HIV đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao như trẻ em sử dụng ma túy, trẻ sống trong các cơ sở trợ giúp, trẻ là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy... Ngoài ra, một số phòng khám điều trị ngoại trú (OPC) xét nghiệm, khám, chữa cho người bệnh nhiễm HIV bằng nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế lại không có chức năng khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế, cho nên không được thanh toán bảo hiểm y tế. Vì vậy, khi các dự án hỗ trợ của nước ngoài chấm dứt thì người nhiễm HIV điều trị tại các phòng khám này sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả.

Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết: Để những trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, khám, chữa bệnh tốt nhất, thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB-XH tăng cường phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ về Kế hoạch quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đồng thời, tiếp tục mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm và phơi nhiễm HIV. Bám sát chương trình hành động quốc gia để tiếp tục và mở rộng dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ nhiễm HIV. Tiếp tục ưu tiên duy trì điều trị bằng ARV cho trẻ nhiễm HIV, phối hợp các đơn vị chức năng chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho trẻ nhiễm HIV tại tuyến huyện, xã, phường; thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh. Đáng chú ý, trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, Bộ Y tế sẽ đưa thuốc kháng HIV, thuốc bổ trợ và một số xét nghiệm vào danh mục chi trả bởi bảo hiểm y tế; nhất là cần có cơ chế cho phép người nhiễm HIV được thanh toán bảo hiểm y tế tại tất cả các phòng khám điều trị ngoại trú. Đặc biệt, đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa ba ngành: Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác rà soát trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, nhằm tăng cường nỗ lực chung đáp ứng các yêu cầu ưu tiên trong việc phòng ngừa, chăm sóc, điều trị và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.