Tỷ lệ tiêm chủng tại điểm nóng bệnh bạch hầu chỉ đạt 50%

NDO -

NDĐT – Với việc ghi nhận nhiều ca mắc bạch hầu thời gian qua tại Đắk Nông khiến hàng nghìn người phải thực hiện cách ly y tế, Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tỷ lệ tiêm chủng tại đây chỉ đạt từ 48-52%.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Trong tháng 6-2020, Việt Nam ghi nhận bốn trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đắk Sor, huyện Krông Nô, tám trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, trong đó có một trường hợp tử vong tại xã Quảng Hòa.

Bộ Y tế cho biết, hiện khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu.

Ngay sau khi ghi nhận thông tin các trường hợp mắc, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cử đội đáp ứng nhanh hỗ trợ địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời chỉ đạo ngành y tế địa phương tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; Điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ; Tiến hành phun khử khuẩn môi trường tại khu vực ổ dịch và tại các gia đình có học sinh đi về tại địa phương.

Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cũng tiến hành tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; Đẩy mạnh công tác thu dung, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong; Tổ chức tiêm vaccine chống dịch tại khu vực ổ dịch; Triển khai các chốt cách ly toàn bộ các hộ gia đình có người mắc bệnh, hạn chế người ra vào tại khu vực ổ dịch;

Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình và tại địa phương để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, đặc biệt tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu bảo đảm đủ mũi và đúng lịch.

Theo Cục Y tế dự phòng, đến nay các ổ dịch đã ổn định, tại huyện Krông Nô đã qua 16 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới và tại huyện Đắk Glong đã qua bốn ngày không ghi nhận thêm trường hợp dương tính với bạch hầu.

Lịch tiêm chủng vaccine SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được hai tháng tuổi

Mũi 2: Sau mũi thứ 1 một tháng

Mũi 3: Sau mũi thứ 2 một tháng

Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

* Bộ Y tế vào cuộc dập dịch bạch hầu