Tiêm vắc-xin Covid-19 theo mức độ ưu tiên chống dịch

Sáng 23-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) họp về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá nguy cơ các nhóm, các khu vực để tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương triển khai xét nghiệm tầm soát nhưng cần tiết kiệm, hiệu quả… Ðề nghị người dân thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K, nhất là chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Các tỉnh chủ động bảo đảm vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch theo đúng phương châm "bốn tại chỗ". Trong từng thời kỳ thì chiến thuật thay đổi linh hoạt, nhưng chiến lược năm bước:

Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng dập dịch - Ðiều trị hiệu quả thì không thay đổi. Ðối với tỉnh Hải Dương, còn một tuần nữa hết giãn cách xã hội, đây là khoảng thời gian quan trọng, cho nên tỉnh cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để sớm khống chế dịch, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay, số lượng ca mắc đã giảm. Tỉnh đã nâng công suất xét nghiệm lên 80 nghìn mẫu/ngày và có thể tiếp tục tăng lên 120 nghìn mẫu/ngày (mẫu gộp) để tiến hành xét nghiệm tầm soát diện rộng trong thời gian tới. Về ổ dịch mới xuất hiện ở huyện Kim Thành, tỉnh đang áp dụng những biện pháp mạnh nhất, phong tỏa chặt, xét nghiệm diện rộng, để khẩn trương dập dịch…

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu Hải Dương tiếp tục tập trung truy vết, theo dấu ca bệnh. Xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng để bảo đảm cho nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp phải an toàn trước khi đi vào hoạt động. Tại những điểm nguy cơ cao, có nhiều người qua lại như quán nước gần các khu công nghiệp, bệnh viện, bến xe, chợ… việc xét nghiệm tầm soát phải linh hoạt. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, kể cả sau khi đã hết dịch, Hải Dương vẫn phải sẵn sàng chống dịch khẩn trương nhất, quyết liệt nhất và đồng bộ nhất. Ðề nghị tỉnh khuyến khích người dân không trong vùng dịch đeo khẩu trang vải; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp khai báo không trung thực về dịch bệnh, thậm chí những gia đình có thành viên là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thì cũng phải có trách nhiệm.

* Liên quan vấn đề tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên cho biết: Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tổng thể từ tập huấn, tuyên truyền cho đến lập danh sách các đối tượng được tiêm vắc-xin theo nguyên tắc ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch, và thực hiện trước ở những địa phương đang có dịch… Việc ứng phó, xử lý những tai biến có thể xảy ra sau tiêm chủng hoàn toàn trong khả năng của ngành y tế khi Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng thời gian qua...

Ðược biết, Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022 do COVAX (Giải pháp tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu) hỗ trợ. Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vắc- xin Covid-19 sắp xếp mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam, bao gồm: Nhân viên tham gia phòng, chống dịch; nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất, nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người hơn 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu; người mắc các bệnh mạn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ. Với số lượng khoảng 4,8 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 được COVAX dự kiến cung ứng cho Việt Nam (trong quý I và II-2021), sẽ được phân bổ cho các nhóm đối tượng sau: Quý I, số lượng khoảng 1,2 triệu liều tương đương với 600 nghìn người. Ðối tượng là nhân viên y tế và nhân viên tham gia chống dịch. Quý II, số lượng khoảng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người. Ðối tượng triển khai là cán bộ hải quan, cán bộ ngoại giao, lực lượng quân đội, lực lượng công an và giáo viên…

* Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai, tính đến 11 giờ ngày 23-2, trong số 27 ca mắc Covid-19 trên địa bàn đã có năm người khỏi bệnh và được xuất viện; 22 trường hợp còn lại đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến và các cơ sở y tế, trong đó có 16 người bệnh xét nghiệm âm tính từ một đến bốn lần với vi-rút SARS-CoV-2. Theo kế hoạch, từ 0 giờ ngày 25-2, bốn địa phương gồm: Thị xã Ayun Pa, các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa (những địa phương thực hiện phong tỏa vì có người mắc vi-rút SARS-CoV-2) sẽ được dỡ bỏ phong tỏa, cho phép hoạt động đời sống, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

* Sau khi thực hiện phong tỏa khu vực có ca nhiễm Covid-19 tại xóm 4, thôn Lôi Ðộng, xã Hoàng Ðộng (huyện Thủy Nguyên) và Lô 112 Công nhân Dư Hàng, hố chợ Cột Ðèn, phường Dư Hàng (quận Lê Chân), TP Hải Phòng đã bảo đảm cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết miễn phí cho khoảng 640 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu. Ngành y tế thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân trong khu vực phong tỏa; đồng thời truy vết các trường hợp F1, F2, hoặc các ca bệnh nghi ngờ để xét nghiệm… Trong hai ngày 23 và 24-2, TP Hải Phòng phối hợp Quân khu 3 tổ chức phun khử trùng diện rộng khoảng 300 km các đường chính trên địa bàn thành phố và các khu vực đang phong tỏa.

* Ngày 23-2, Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng, Lê Trung Chinh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Ðà Nẵng ký văn bản khẩn về việc tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, nhất là khẩn trương tổ chức thực hiện việc toàn dân khai báo y tế. Công an TP Ðà Nẵng có biện pháp tăng cường hơn nữa việc rà soát chặt chẽ người dân và phương tiện vào thành phố tại các chốt kiểm dịch; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid -19 với khung quy định xử lý cao nhất...

* Từ ngày 17-2 đến nay, UBND tỉnh Thái Bình triển khai dịch vụ xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 cho công dân trên địa bàn muốn đi lao động, làm việc và học tập ở các địa phương khác. Mức giá dịch vụ xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR là 734 nghìn đồng/mẫu xét nghiệm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình (đơn vị được giao nhiệm vụ xét nghiệm) đã thực hiện được cho 520 người.

* Ngày 23-2, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển hai tỷ đồng về tài khoản của Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh Bắc Giang quyết định hỗ trợ Hải Dương hai tỷ đồng. Trước đó, nhiều tỉnh, thành phố đã chung tay giúp đỡ Hải Dương phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Hà Nội hai tỷ đồng và 500 nghìn khẩu trang; TP Hải Phòng năm tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh một tỷ đồng; tỉnh Thái Bình một tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày 23-2 ghi nhận chín trường hợp mắc Covid-19 tại Hải Dương (tám ca) và Quảng Ninh (một ca). Số người bệnh này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế TP Chí Linh); Bệnh viện dã chiến số 2 (Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương); Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 107.685 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 596 người, số còn lại cách ly tập trung tại cơ sở khác và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.