Thách thức trong kiểm soát bệnh lao tại khu vực biên giới

NDO -

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, trong số nhóm người có nguy cơ cao đối với bệnh lao, người di cư là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Vì thế, việc kiểm soát lao tại khu vực biên giới gặp nhiều thách thức.

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương.
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương.

Sáng 20-4, IOM Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương, CENAT Campuchia và IOM Campuchia tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu và thảo luận các khuyến nghị định hướng cho việc xây dựng kế hoạch hành động trong tương lai để giải quyết các vấn đề về bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

Theo đại diện của IOM Việt Nam, năm 2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng cao nhất về bệnh lao và lao đa kháng thuốc toàn cầu, trong khi đó Campuchia là một trong 30 quốc gia có gánh nặng cao nhất về bệnh lao.

Mặc dù Việt Nam và Campuchia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao trong những năm gần đây, nhưng cả hai lại thiếu nguồn lực tài chính cần thiết để loại bỏ bệnh lao như một vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực y tế, người di cư - người di cư nội địa ở mỗi nước và người di cư qua biên giới Việt Nam - Campuchia - có thể dễ bị bỏ sót hoặc không được chú ý trong các nỗ lực quốc gia nhằm phát hiện bệnh lao.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, người di cư ít khi tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, được chẩn đoán muộn do hạn chế tài chính và rào cản ngôn ngữ. Ngoài ra, người di cư gặp khó khăn trong việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh lao do không có bảo hiểm y tế, bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử và không có giấy tờ hợp pháp. 

"Nhóm người di cư đóng góp 14% trong số những trường hợp lao không được phát hiện, hoặc 4% trong tổng số mắc mới. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao trong nhóm di dân thường thấp hơn tỷ lệ chung 10%", ông Nhung cho hay. 

Mặc dù người di cư qua biên giới có nguy cơ cao mắc bệnh lao, nhưng dữ liệu để hỗ trợ xây dựng các hướng dẫn và chính sách quốc gia về kiểm soát bệnh lao cho người di cư ở Việt Nam và Campuchia còn khan hiếm, không có nghiên cứu thăm dò về các rào cản trong việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh lao trong quần thể người di cư qua biên giới Việt Nam - Campuchia.

Việt Nam là nước có số người đi làm việc ở nước ngoài lớn và đối tượng này có thể có nguy cơ mắc lao cao hơn, nhưng lại chưa phải là đối tượng được quan tâm chính của Chương trình chống lao. 

Để góp phần giải quyết những thách thức nêu trên, IOM Việt Nam phối hợp Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Phòng chống Lao và Phong Quốc gia, Campuchia (CENAT), và IOM Campuchia tiến hành nghiên cứu để hiểu rõ hơn về các rào cản và các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao ở người di cư.

Đồng thời, nghiên cứu này cũng nhằm xác định các thách thức trong việc kiểm soát bệnh lao, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác hiện tại và tiềm năng giữa các cơ quan Chính phủ và phi Chính phủ làm việc trong lĩnh vực kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

Nghiên cứu này được thực hiện tại hai tỉnh phía nam của Việt Nam (An Giang và Tây Ninh) và hai tỉnh Svay Rieng và Takeo của Campuchia, nơi có thông báo tỷ lệ bệnh lao cao và người dân thường xuyên di chuyển qua lại biên giới.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, thông qua hoạt động nghiên cứu này, Việt Nam sẽ xây dựng, thiết lập và duy trì mạng lưới đối tác, khung phối hợp đa quốc gia trong quản lý bệnh lao trong nhóm di cư quốc tế, trong đó sẽ phân công người chịu trách nhiệm chính trong phòng chống lao ở nhóm người di cư tuyến Trung ương, tuyến tỉnh; Họp trực tuyến hàng sáu tháng giữa Việt Nam và Campuchia. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kết quả nghiên cứu “Tăng cường kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia”; Thảo luận các khuyến nghị định hướng cho kế hoạch hành động kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới.