Telehealth giúp cả ngành y tế phát triển đồng bộ cùng nhau

NDO -

"Bệnh viện hạt nhân tư vấn mà anh em địa phương không thích thú thì buổi hội chẩn vô nghĩa. Các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới phải coi mình là hai đối tác, phải làm việc thực chất, phối hợp để cùng nâng cao vị thế bệnh viện, để người dân tin bệnh viện địa phương hơn”, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khẳng định. 

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cung cấp thông tin cho báo chí.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cung cấp thông tin cho báo chí.

Sáng 24-9, Bộ Y tế tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa. Mặc dù đến nay chúng ta đã cán đích sớm hơn dự kiến kết nối các điểm cầu trước 25-9, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; việc phối hợp giữa bệnh viện tuyến trên - tuyến dưới...

Nhiều ca bệnh phức tạp được hội chẩn, cấp cứu kịp thời

Hiện nay, cả nước có 1.400 bệnh viện công lập và 275 bệnh viện ngoài công lập, 30 nghìn phòng khám đa khoa, 11.500 trạm y tế xã phường cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Việc triển khai công nghệ khám chữa bệnh từ xa Telehealth giúp các tuyến dưới nhận được các kỹ thuật ở tuyến trên sâu hơn, nhanh hơn, rộng hơn.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, từ ngày 22-6 đến nay, chỉ 45 ngày, chúng ta đã cán đích kết nối Telehealth với một nghìn điểm cầu. Đây là những nỗ lực rất lớn của các cơ sở y tế tuyến trên trong việc hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé…..

Ngày 1-9, mẹ con sản phụ Trần Thị T. 30 tuổi là giáo viên ở huyện Ba Đồn, Quảng Bình, được cứu sống kịp thời nhờ thực hiện tốt hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba và Bệnh viện Trung ương Huế thông qua Đề án Khám chữa bệnh từ xa - Telehealth.

Chị nhập viện khi thai 35 tuần, dọa sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Sản phụ đã được Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới báo cáo hội chẩn qua Telehealth với Bệnh viện Trung ương Huế và được cứu sống kịp thời cả mẹ và con.

Ngày 4-9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống người bệnh nam T.V.C, 32 tuổi (Bình Liêu, Quảng Ninh) được phẫu thuật trong tình trạng tràn khí màng phổi tái phát do vỡ kén khí màng phổi nhờ sự chỉ đạo trực tuyến của các chuyên gia ngoại khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine.

Ngày 11-9, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Hòa Bình cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút nhờ khám, chữa bệnh từ xa…

PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa là một trong những nội dung "5K" được Bộ Y tế khuyến cáo đó là giữ khoảng cách. Mô hình Telehealth là công cụ giúp cho việc Việt Nam chống dịch, chiến thắng dịch Covid-19.

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu:
 Trung tâm Khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Còn nhiều khó khăn, thách thức với y tế các tuyến trong triển khai Telehealth

TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay, về mặt công nghệ, bệnh viện đã hoàn toàn kết nối rất tốt với hàng trăm cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc mong muốn người bệnh có thể tiếp cận trực tiếp bác sĩ thì còn phải chặng đường khá dài. 

“Đây là hình thức tương đối mới mẻ. Muốn phát triển bền vững khám, chữa bệnh từ xa phải có nền tảng về pháp lý, công nghệ, tài chính”, BS Hùng nói. 

Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai đang có một chút cách tân trong hội chẩn từ xa, đó là từ các trường hợp cụ thể sẽ hệ thống lại thành bài giảng và thông qua đó sẽ chuyển giao các kiến thức, giảng dạy online từ tuyến cho các đồng nghiệp ở tuyến dưới.

“Chúng tôi mong muốn giúp tuyến dưới tăng cường năng lực khám chữa bệnh chứ không chỉ giải quyết khám cho một vài trường hợp cụ thể. Việc lồng ghép đào tạo có hiệu quả sâu hơn”, TS Hùng nói.

Đối với Bệnh viện Nhi Trung ương, theo PTS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV, bệnh viện đã có quy định bác sĩ trực toàn viện sẽ tiếp nhận và hướng dẫn cho các bạn các tuyến để bảo đảm xử lý tốt nhất. 

Hiện nay, bệnh viện đã triển khai Telehealth thường quy với hình thức hội chẩn song phương. “Chúng tôi chưa triển khai hội chẩn đa phương vì còn liên quan bảo mật bệnh nhân, uy tín bác sĩ soạn bệnh án, uy tín của bệnh viện. Sau phiên hội chẩn, chúng tôi có khoảng 15-20 phút mở toàn bộ hệ thống các điểm cầu vào để các chuyên gia Trung ương giảng bài trên tình huống cụ thể. Thí dụ như, từ trường hợp một ca bệnh ở Cô Tô về xử lý cơn giật do sốt cao, các chuyên gia cũng đã có 10-15 phút đưa ra kiến thức cập nhật cho các tuyến về xử trí”, PGS Điển cho hay. 

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ tiến hành một tuần hai buổi Telehealth (thứ 3 và thứ 5). Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. 

Sau năm tháng triển khai, bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn; 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối. 

Theo PGS Lân Hiếu, một trong những vướng mắc hiện nay của triển khai Telehealth là việc chi trả bảo hiểm cho các bác sĩ các tuyến. 

“Hiện nay, Luật Khám, chữa bệnh chưa sửa đổi, chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho việc triển khai ký đơn khám, chữa bệnh từ xa như thế nào. Thí dụ vừa qua chúng tôi hội chẩn cho một bệnh nhân người Lào ở Bệnh viện 199 tại Đà Nẵng, nhưng đơn thuốc cho người bệnh vẫn là bác sĩ của Bệnh viện 199 ký. Khi có việc gì xảy ra, bác sĩ của Bệnh viện 199 phải chịu trách nhiệm. Như vậy, vai trò bác sĩ của bệnh viện hạt nhân sẽ giảm đi, không chịu trách nhiệm cùng. Tới đây, tôi nghĩ việc này chúng ta sẽ phải bàn để thay đổi trong Luật Khám chữa bệnh trong triển khai chữ ký điện tử khi khám, chữa bệnh từ xa”, PGS Lân Hiếu nói. 

Bốn tháng qua, dù đã triển khai hàng trăm ca hội chẩn nhưng bệnh viện chưa có nguồn thu. Bảo hiểm y tế chưa có hướng để chi trả. 

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, để tham gia vào đề án này, các bệnh viện các tuyến phải cùng quyết tâm, phải làm thực chất. “Bệnh viện hạt nhân tư vấn từ xa mà anh em địa phương không thích thú thì buổi hội chẩn vô nghĩa. Bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới phải coi mình là hai đối tác phối hợp để cùng nâng cao vị thế bệnh viện, để người dân tin bệnh viện địa phương hơn. Telehealth là giúp cả ngành y tế phát triển cùng đồng bộ với nhau”, GS Lân Hiếu cho hay. 

Chiều mai, 25-9, Bộ Y tế tổ chức khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chỉ đạo tại Lễ khánh thành. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.