Tăng cường công tác phòng, chống bệnh Whitmore

Từ đầu tháng 10-2020 đến nay, tại khu vực các tỉnh miền trung ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Whitmore (bệnh Melioidosis). Tuy là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ người chết cao. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng mưa lũ, môi trường bị ô nhiễm.

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh Whitmore

Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía nam. Gần đây, các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa lũ, tập trung từ tháng 9 đến tháng 11. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng (bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...). Bệnh khó chẩn đoán và có tỷ lệ tử vong cao, có thể tới 40% do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
 
 PGS, TS Đỗ Duy Cường lưu ý, phần lớn người mắc bệnh này đều trên 50 tuổi và có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, có trường hợp bị áp xe phổi... Do đó bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể chết nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Hiện chưa có vắc-xin dự phòng, cho nên cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, chủ yếu là bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn; thực hiện ăn chín, uống chín…
 
 Thời gian gần đây, tại miền trung, sau các trận mưa lũ liên tiếp làm cho môi trường ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, cho nên gia tăng các trường hợp mắc bệnh Whitmore. Thống kê cho thấy, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận 29 người mắc bệnh, trong đó có hai trường hợp chết; tại Quảng Trị có 24 người bệnh, trong đó có bốn người chết. Nếu như trong chín tháng đầu năm Bệnh viện T.Ư Huế tiếp nhận điều trị cho 11 người mắc bệnh Whitmore, thì trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 đã tiếp nhận điều trị cho 28 trường hợp mắc bệnh. Còn Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 30 người mắc bệnh Whitmore. Riêng từ đầu tháng 11 đến nay, có sáu trường hợp; hiện vẫn còn ba trường hợp đến từ các tỉnh Sơn La, Nghệ An và Hà Tĩnh còn đang điều trị... Dự báo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc ở nhiều địa phương trong khu vực bị lũ lụt.
 
 Trước tình hình số lượng người mắc bệnh Whitmore gia tăng tại các tỉnh miền trung, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cách phòng và điều trị bệnh. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị theo phác đồ đã được ban hành. Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chẩn đoán, do đó khi có ca bệnh nghi ngờ, cần tổ chức hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp. Để chủ động có các biện pháp phòng, chống hiệu quả đối với bệnh Whitmore trên địa bàn chín tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu ngành y tế các địa phương: giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm trường hợp mắc và xử lý điều trị trên địa bàn, nhất là tại vùng nguy cơ cao, đã có người mắc bệnh. Tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị tích cực để hạn chế mức thấp nhất các trường hợp chết do bệnh Whitmore. Chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc bệnh, phân tích nguy cơ và các biện pháp phòng, chống bệnh. Các cơ sở y tế phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh. Đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị, chú ý đối với các đối tượng nguy cơ cao. 
 

Khuyến cáo phòng bệnh Whitmore của Bộ Y tế
 
 - Bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà-phòng và nước sạch, nhất là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.
 
 - Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
 
 - Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn tại những nơi bị ô nhiễm nặng không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/ gần nơi bị ô nhiễm.
 
 - Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay...) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
 
 - Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh.
 
 - Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
 
 - Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.