Sự cố chạy thận tại Hòa Bình: Bệnh nhân nặng nhất vẫn chưa thể chuyển về Hà Nội

NDO -

NDĐT – Đoàn bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai do PGS, TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn đã quyết định thay vì chuyển bệnh nhân nặng nhất về Hà Nội, đã và đang nỗ lực hồi sức tại chỗ bằng các phương tiện máy móc, trang thiết bị cấp cứu hiện đại nhất được mang từ Bệnh viện Bạch Mai lên.

Các bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai đang hồi phục sức khỏe.
Các bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai đang hồi phục sức khỏe.

Đến thời điểm này, bệnh nhân nặng nhất được các bác sĩ nhận định khó thực hiện để đưa về Hà Nội, do đó vẫn tiếp tục được điều trị tích cực tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình mà chưa thể đưa về Hà Nội cứu chữa. Bệnh nhân đang được các chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực hồi sức bằng thở máy, lọc máu liên tục, truyền thuốc co mạch và trợ tim. Qua hồi sức tích cực, huyết động của bệnh nhân tạm ổn định, oxy hóa máu bảo đảm... Trước đó, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn hai lần nhưng các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cứu chữa, hy vọng sẽ giúp bệnh nhân vượt qua tình trạng nguy hiểm.

* Khởi tố vụ bảy người tử vong khi chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình

* Giám đốc BV đa khoa Hòa Bình nhận trách nhiệm, xin lỗi các gia đình bệnh nhân và cộng đồng

* Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cố gắng không để thêm trường hợp nào tử vong

* 10 bệnh nhân chạy thận từ Hòa Bình được chăm sóc đặc biệt và đang dần hồi phục

* Thông tin mới nhất về 10 bệnh nhân chạy thận chuyển từ Hòa Bình về Bệnh viện Bạch Mai

* Bệnh nhân chạy thận thứ bảy ở Hòa Bình tử vong do sốc phản vệ

* Thêm hai bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nguy kịch

* Sáu người tử vong khi đang chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình

Sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng do sốc khi đang lọc máu chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã làm bảy bệnh nhân tử vong, một người nguy kịch, tiên lượng xấu được TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) đánh giá là sự cố nghiêm trọng hy hữu xảy ra trong ngành y.

TS Dũng ghi nhận, biến chứng xảy ra với một vài bệnh nhân khi đang chạy thận thi thoảng vẫn xảy ra. Nhưng biến chứng với hàng loạt bệnh nhân như ở BV đa khoa Hòa Bình là sự cố y khoa cực kỳ nghiêm trọng. “45 năm qua, kể từ khi Việt Nam có chuyên ngành chạy thận nhân tạo chưa từng xảy ra. Trên y văn thế giới, tôi được biết cũng mới chỉ có một vụ tương tự nhưng đã xảy ra từ rất lâu rồi" – TS Dũng cho biết.

Hiện nay, phác đồ điều trị lọc thận tại Việt Nam đúng tiêu chuẩn phác đồ điều trị của thế giới. Để thực hiện được một ca lọc máu quy trình rất chặt chẽ, phải có nước lọc máu, quả lọc máu, thăm khám bệnh nhân, theo dõi bệnh nhân trong 3-4 giờ đồng hồ… Trên thế giới cũng như Việt Nam, khi thực hiện một kỹ thuật y khoa đều phải nắm rõ các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Có khoảng hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. "Thỉnh thoảng có bệnh nhân chạy thận bị sốt, bị rét, phải chuyển cấp cứu ngay. Có những nguyên nhân “chẳng giống ai”, rất là khó, nhưng chưa bao giờ có trường hợp tử vong nhiều như thế này” – TS Dũng bày tỏ.

Các tai biến trong chạy thận nhân tạo xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử lý kịp sẽ rất nguy hiểm. Nếu để khí lọt vào máu trong quá trình bơm máu vào bệnh nhân thì sẽ gây ra sự nguy kịch cho tính mạng người bệnh. Theo đó, chỉ cần 10 ml khí chèn vào có thể gây biến chứng tắc mạch máu, tử vong. Tuy nhiên, TS Dũng đánh giá, những biến chứng này rất hiếm gặp vì máy móc chạy thận hiện nay rất hiện đại.

Sự cố chạy thận tại Hòa Bình: Bệnh nhân nặng nhất vẫn chưa thể chuyển về Hà Nội ảnh 1

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai).

TS Dũng cho biết, tất cả những gì liên quan đến lọc máu, tiếp xúc với bệnh nhân đều có thể gọi là yếu tố nguy cơ như: nước, dịch lọc, thuốc, màng lọc… Do đó, Hội đồng chuyên môn sẽ phải rà soát từng yếu tố một để tìm nguyên nhân, và sẽ có biện pháp xử lý triệt để. Việc tìm ra nguyên nhân để xem khâu nào là quan trọng trong việc lọc máu chạy thận để quyết định xem khâu nào phải kiểm tra định kỳ, khâu nào không thể bỏ qua… để các phác đồ điều trị sau này phải tuân theo.

Về hơn 100 trường hợp chạy thận lọc máu định kỳ khác tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã được lần lượt chuyển về các cơ sở y tế của Hà Nội. Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội Hà Huy Thắng cho biết, ngày 30-5, bệnh viện đã tiếp nhận 20 bệnh nhân đầu tiên từ Hòa Bình chuyển xuống. Những bệnh nhân này đã được bệnh viện bố trí vào một phòng điều trị với đủ 20 máy chạy thận. Ngoài ra, bệnh viện cũng bố trí hai phòng lưu trú cho người bệnh từ Hòa Bình chuyển xuống có chỗ ăn ở tạm thời. Ngày hôm nay, 31-5, bệnh viện sẽ tiếp nhận thêm từ 20-30 bệnh nhân được chuyển từ Hòa Bình đến đây.

Những ca bệnh phức tạp mà các bệnh viện không nhận sẽ được chuyển về Bạch Mai. Các ngày tiếp theo sẽ cố định lịch chạy thận của các bệnh nhân đang chạy thận chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa Hoa Bình để người bệnh yên tâm chữa trị.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh cho biết thêm, có hàng triệu người chạy thận tại hơn 1.300 bệnh viện trên cả nước. Hiện nay, chỉ mới có quận Thủ Đức xin phép Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thực hiện chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân ở y tế cơ sở tuyến xã.