Số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ đầu năm, mặc dù đang trong mùa khô, nhưng số người mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tăng đột biến. Ðến thời điểm hiện nay, dù bắt đầu bước vào mùa mưa, địa phương đã ghi nhận gần 2.000 trường hợp mắc SXH, tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm trước.

Khám và tư vấn điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu.
Khám và tư vấn điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quý I - 2019, số người mắc SXH trên địa bàn vẫn tăng rất cao, với hơn 1.000 trường hợp. Một trong những nguyên nhân được xác định do sự lưu hành của chủng vi-rút Dengue 2. Trước đây, SXH chủ yếu là do vi-rút Dengue 1, nhưng đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, qua giám sát dịch bệnh thấy xuất hiện thêm chủng vi-rút Dengue 2. Chính chủng vi-rút này là một trong những nguyên nhân gây bùng phát dịch SXH do cộng đồng chưa có miễn dịch.

Bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá, chưa có năm nào mà ngay từ đầu năm toàn tỉnh lại có số người mắc SXH tăng cao như năm nay. Ðến thời điểm hiện tại, tuy mới bắt đầu bước vào mùa mưa, nhưng số người mắc SXH trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gần chạm ngưỡng 2.000 người mắc, gấp năm lần so với cùng kỳ năm 2018. Ðịa phương có số trường hợp SXH nhiều nhất vẫn là TP Vũng Tàu với 697 người (tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2018), huyện Châu Ðức với 406 người (tăng 382 người), huyện Xuyên Mộc có 215 người (tăng 152 người)…

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, theo chu kỳ dịch, cứ từ ba đến bốn năm lại có một năm số trường hợp mắc SXH tăng đột biến. Năm nay được xem là năm có số lượng người bệnh tăng cao. Cộng với sự lưu hành của chủng vi-rút Dengue 2 dự báo sẽ là năm khó khăn trong công tác phòng, chống dịch SXH, nguy cơ bùng phát thành dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thực tế, do SXH luôn xuất hiện và bùng phát định kỳ vào mùa mưa hằng năm cho nên người dân vẫn có thái độ chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng tránh. Tại nhiều khu dân cư, người dân vẫn để các vật dụng chứa nước mưa, nước thải bừa bãi, không che đậy, tạo môi trường cho muỗi, lăng quăng phát triển... Tuy mới bước vào mùa mưa, nhưng tính đến thời điểm hiện nay, ngành y tế và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 450 ổ dịch bệnh SXH.

Trong công tác điều trị, thống kê của Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, trung bình mỗi ngày Khoa Nội của bệnh viện này luôn tiếp nhận từ năm đến bảy người mắc SXH đến điều trị. Ðáng lo ngại là phần lớn người bệnh đều không biết mình bị SXH. Sau khi tự mua thuốc điều trị mà tình trạng bệnh không thuyên giảm, mới đến bệnh viện. Mới đây, một người (ngụ tại TP Vũng Tàu) đã chết do SXH vì chủ quan tự điều trị tại nhà.

Trước tình hình số ca SXH tăng cao đột biến, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát động chiến dịch diệt lăng quăng tại tất cả các địa phương trên địa bàn, đồng thời xây dựng phương án ứng phó với những diễn biến tiếp theo, bởi theo dự báo "đỉnh dịch" sẽ xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Ngành y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã yêu cầu tất cả nhân viên y tế tại các trạm y tế, y tế ấp, nhân viên sức khỏe cộng đồng, cộng tác viên các chương trình y tế khẩn trương đến từng hộ dân hướng dẫn và vận động người dân giữ vệ sinh thông thoáng nhà ở, súc rửa và đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, đổ nước trong các vật dụng bị ứ đọng nước...; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt…