Số lượng phụ nữ nhiễm HIV ngày càng tăng

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay, hơn một nửa số các ca nhiễm mới HIV lây truyền qua đường tình dục và chủ yếu là phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ bị nhiễm HIV ngày càng tăng, nguyên nhân chính là do lây nhiễm từ chồng hoặc bạn tình thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Trước thực trạng ngày càng nhiều phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV (năm 2015, có 14 nghìn ca nhiễm HIV mới thì trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ một phần ba), các chuyên gia trong lĩnh vực này đang kêu gọi cần đưa phụ nữ và trẻ em gái vào một trong những trọng tâm của công tác phòng, chống HIV. Bà S.I-si-ka-oa, Trưởng đại diện Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam cho biết: Phụ nữ và trẻ em gái bị nhiễm HIV đang phải đối mặt với những hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng. Trong số họ có nhiều người bị mất nhà, mất quyền nuôi con, tài sản và các quyền thừa kế. Sự tham gia của phụ nữ vào công tác phòng, chống HIV là rất quan trọng, cho nên cần có những hoạt động cụ thể nhằm đáp ứng những nhu cầu và tận dụng kinh nghiệm của họ.

Theo Phó Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Phạm Đức Mạnh, hiện nay, các giải pháp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS mới chỉ tập trung chủ yếu vào phụ nữ có thai và sự lây nhiễm từ mẹ sang con, chưa có nhiều cơ chế, chính sách hướng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái nhiễm HIV. Bên cạnh đó, sự hiểu biết trong phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS của nhóm đối tượng này cũng còn nhiều hạn chế, khi mới chỉ có 40% số phụ nữ có sự hiểu biết về phòng, chống, ngăn ngừa sự lây truyền HIV qua đường tình dục. Và số phụ nữ, trẻ em gái này cũng chưa được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, do đó nguy cơ nhiễm HIV của họ ngày càng cao. Trong khi đó, công tác thông tin, thu thập, đánh giá tổng hợp tình trạng của nữ giới nhiễm HIV mới tập trung vào các số liệu định lượng và các trường hợp điển hình. Điều này đã dẫn đến thực tế là chưa có nhiều thông tin để đánh giá được tính hiệu quả của công tác phòng, chống HIV đối với phụ nữ, và rộng hơn nữa là chất lượng và tính hiệu quả của chương trình phòng, chống HIV nói chung. Thực tế hiện nay, công tác lập kế hoạch quốc gia về phòng, chống HIV phần lớn chưa đề cập nhiều về phụ nữ, và các báo cáo về HIV cũng chưa có các số liệu riêng về nữ giới.

Trước thực trạng ngày càng nhiều phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV, nhiều ý kiến cho rằng, trong kế hoạch của công tác phòng, chống HIV/AIDS cần đưa thêm nhiều giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn cho công tác phòng, chống HIV cho nhóm đối tượng là phụ nữ. Đối với nhóm phụ nữ có nguy cơ cao (nhóm mại dâm, nghiện, chích ma túy) thì sẽ bắt buộc nhóm này xét nghiệm, tư vấn thường xuyên nhằm xác định tình trạng nhiễm HIV của họ. Trong dự phòng, lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, sẽ tư vấn xét nghiệm cho cả các đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để họ ý thức xét nghiệm tự nguyện, góp phần phát hiện sớm nếu nhiễm HIV. Ngoài các trường hợp đang mang thai, cần khuyến khích đi xét nghiệm, tư vấn phòng, chống HIV cả những trường hợp phụ nữ và nam giới còn trong độ tuổi sinh đẻ. Được biết, trong chương trình phòng, chống HIV từ năm 2017 và những năm tiếp theo, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm loại bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ nhiễm HIV; đưa ra các giải pháp phòng, chống lây nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm cao.

Hoạt động phòng, chống HIV và bình đẳng giới là các nội dung quan trọng trong các Mục tiêu Thiên niên kỷ đã được thông qua vào năm 2015, những mục tiêu này hiện đang trở thành chương trình hành động toàn cầu trong vòng 15 năm tới. Vào tháng 6 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố phê duyệt Tuyên bố chung về phòng, chống AIDS, tuyên bố này đặt mục tiêu sẽ chấm dứt HIV/AIDS trên toàn thế giới vào năm 2030.