Siết chặt lại công tác phòng, chống dịch tại cơ sở cách ly

NDO -

Sau khi Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 lây từ khu cách ly, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan chức năng sẽ phải rà soát lại các quy định liên quan đến cách ly tiếp viên, phi công của các hãng hàng không. Bên cạnh đó sẽ tăng cường siết chặt lại công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

BN 1342 vi phạm quy định cách ly

Theo ông Đặng Quang Tấn, tiếp viên hàng không là các trường hợp đặc biệt nên khi có kết quả xét nghiệm hai lần âm tính sẽ được cho về cách ly tại nhà. Họ vẫn phải tiếp tục cách ly theo quy định, tuyệt đối không tiếp xúc, giao lưu với người khác.

Trường hợp BN 1342 khi cách ly tại nhà có tiếp xúc với người khác trong thời gian cách ly là vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch Covid-19. Đây là lý do virus lây sang bệnh nhân 1347.

Về việc tiếp viên của Vietnam Airlines chỉ cách ly tập trung bốn ngày và được về nhà tự cách ly sau hai lần có kết quả xét nghiệm âm tính, theo PTS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc cách ly này đúng với quy định của Bộ Y tế.

Ngày 2-7-2020, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có Công văn 3588/CV-BCĐ về việc áp dụng các biện pháp cách ly đối với tổ bay của Vietnam Airlines.

Theo đó, các thành viên tổ bay người Việt Nam của Vietnam Airlines đều được lấy mẫu xét nghiệm sau khi về Việt Nam. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, thành viên tổ bay được tiếp tục lấy mẫu lần hai sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu đầu tiên.

Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2, các thành viên của tổ bay được phép rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong trường hợp hành khách hoặc thành viên tổ bay dương tính với Covid-19 ngay ở lần xét nghiệm đầu tiên, những người này sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Nếu xét nghiệm lần 2 có kết quả dương tính, thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày đối với tất cả thành viên của tổ bay kể từ ngày có kết quả xét nghiệm lần 2.

Đến ngày 24-7-2020, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục có Công văn 3951/CV-BCĐ về áp dụng các biện pháp cách ly đối với tổ bay. Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của Bộ GTVT về việc áp dụng tổ chức cách ly y tế, xét nghiệm đối với tổ bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjett Air và Bamboo Airways theo hướng dẫn tại Công văn số 3588/CV-BCĐ ngày 2-7-2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia về việc áp dụng các biện pháp cách ly đối với Tổ bay của Vietnam Airlines.

Theo hướng dẫn về cách ly tại nhà để phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, người được cách ly phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp, không ăn, ngủ chung với người trong gia đình. Những đơn vị chịu trách nhiệm phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly tại khu vực cách ly tập trung, cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Các cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm, làm dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng phải bị xử lý nghiêm.

Trong trường hợp này, nam tiếp viên hàng không - BN1342 đã làm sai quy định trong thời gian cách ly tại nhà khi vẫn tiếp xúc với người khác dẫn đến tình trạng lây virus cho BN1347.

Siết chặt quản lý tại các cơ sở cách ly

Nhận định về ca bệnh 1347 vừa được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh do lây trong khu cách ly từ BN 1342, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 117 có hiệu lực từ 15-11-2020 về xử phạt hành chính những vi phạm trong đó quy định mức phạt rất cụ thể.

Trường hợp BN 1342 lây cho BN 1347 tại TP Hồ Chí Minh đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định về cách ly. “Tuỳ cơ quan chức năng có mức hình phạt cụ thể đối với vi phạm này. Nếu để lây lan virus cho nhiều người, có thể truy tố”, ông Nga nói.

Nhận định về tình hình dịch tại Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Huy Nga cho biết, Việt Nam đang giữ tốt tình trạng phòng, chống dịch và đến nay gần 90 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng.

Tuy nhiên, tình hình thế giới đang rất phức tạp. Trong nửa tháng qua, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận hơn 600 nghìn ca nhiễm mới (cao gấp ba lần so với mùa đông xuân năm trước với khoảng 200 - 300 nghìn ca/ngày). Tỷ lệ tử vong không cao nhưng con số tử vong vẫn chưa hề thuyên giảm.

“Mùa đông đến, chúng ta đều có xu hướng tập trung trong nhà. Thời tiết này, virus nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng đều tồn tại trong môi trường không khí lâu hơn, khả năng lây truyền lâu hơn. Vì thế, các bệnh viện rất vất vả trong phân loại cách ly, phân luồng những trường hợp có biểu hiện của cúm, sốt để không bỏ xót người mang mầm bệnh Covid-19 đi vào bệnh viện”, TS Nga nhận định.

PGS, TS Nguyễn Huy Nga khẳng định: ca bệnh lây tại khu cách ly ở TP Hồ Chí Minh xác định được F0, F1. Vì thế, cùng với ý thức phòng dịch của người dân, chúng ta sẽ không lo ngại việc không khống chế được sự lây lan của Covid-19.

Vì thế, trước những chuyến bay quốc tế trở về Việt Nam và thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, nếu chúng ta lỏng lẻo kỷ luật đối với các khu cách ly thì nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.

Do đó, theo ông Nga, chúng ta phải giao trách nhiệm cách ly cho các đơn vị thực hiện cách ly đồng thời phải phối hợp chính quyền địa phương, y tế địa phương tham gia vào việc giám sát, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức người dân trong phòng dịch.

Liên quan đến ca bệnh 1347, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành cách ly 235 người, trong đó có 163 người cách ly tập trung và 72 người cách ly tại nhà. Các địa điểm mà bệnh nhân này từng lui tới cũng bị phong tỏa.

Trước đó, Hà Nội cũng đã xảy ra tình huống hai nhân viên khách sạn phải cách ly tập trung do cho bệnh nhân Covid-19 đang cách ly mượn điện thoại. May mắn, hai người này âm tính với nCoV. Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị triển khai cách ly phải siết chặt lại công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch tại nơi cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19