Sáu nhóm giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh

Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh rủi ro cho người bệnh, như: Y lệnh không rõ ràng, môi trường nhiễm khuẩn… Vì vậy, việc bảo đảm hoạt động KCB an toàn là rất quan trọng.

Các bác sĩ trẻ tình nguyện thăm khám cho người dân tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: HOÀNG VIỆT
Các bác sĩ trẻ tình nguyện thăm khám cho người dân tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: HOÀNG VIỆT

Bộ Y tế đã đưa ra sáu nhóm giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất các sai sót và ngăn chặn kịp thời các sự cố y khoa xảy ra, bảo đảm an toàn người bệnh (ATNB).

Hiện nay, tất cả người bệnh khi đến bệnh viện hay các cơ sở y tế để KCB đều “trăm sự” nhờ vào các y sĩ, bác sĩ và mong muốn được chăm sóc, điều trị an toàn, được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất. Các thầy thuốc cũng luôn đặt ATNB lên hàng đầu, không để xảy ra các tổn thương bất ngờ ngoài những diễn tiến bệnh lý. Bởi vì, bất cứ công đoạn nào của quy trình KCB cũng chứa đựng các nguy cơ ảnh hưởng người bệnh. Khi xảy ra sự cố, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân; nhất là người bệnh, có thể chịu những hậu quả khó lường.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, hướng dẫn và nhiều quy định được ban hành về ATNB cho các bệnh viện thực hiện, như: Tăng cường hệ thống chính sách, văn bản pháp quy về ATNB; thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm ATNB và nhân viên y tế; thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa…

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý KCB cho biết, bảo đảm ATNB và an toàn phẫu thuật là mục tiêu “sống còn” của hệ thống y tế Việt Nam khi lấy người bệnh làm trung tâm. Ngành y tế đã triển khai các thông tư và hướng dẫn bảo đảm ATNB khi đến các cơ sở y tế và bảo đảm an toàn khi tham gia phẫu thuật. Các quy định đòi hỏi cán bộ y tế không những phải bảo đảm ATNB mà còn cần đáp ứng sự hài lòng cho người bệnh.

Theo đó, sáu nhóm giải pháp bảo đảm ATNB được nhiều cơ sở y tế ưu tiên áp dụng nhằm giảm đến mức thấp nhất các sai sót và ngăn chặn kịp thời sự cố y khoa từ khâu thiết lập hệ thống đến các quy trình quản lý. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần xác định bàn giao người bệnh chính xác từ tên, tuổi, giới tính cụ thể và ưu tiên cho người bệnh tự xác định tên mình. Tuyệt đối không dựa vào số phòng, số giường để xác định người bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường giao tiếp hiệu quả cải thiện thông tin giữa nhân viên y tế và người bệnh. Riêng những nơi cấp cứu không tránh khỏi y lệnh miệng, người cho y lệnh phải rõ ràng, dứt khoát.

Khâu dùng thuốc đặc biệt chú ý hướng dẫn người bệnh cần chi tiết, đầy đủ, nhất là trong tình trạng kinh doanh thuốc tràn lan hiện nay. Dùng thuốc phải đúng bệnh, tác dụng, mức độ an toàn cao, tác dụng phụ thấp, giá rẻ và phù hợp cơ địa người bệnh. Khi giao thuốc cho người bệnh phải kiểm tra, đối chiếu rõ ràng, tốt nhất nên để người bệnh dùng thuốc trước sự có mặt của nhân viên y tế. Ngoài ra, các cơ sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực KCB cũng làm giảm sai sót.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới: Sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu thế giới; có tới 14,3% chi phí tại bệnh viện là để khắc phục hậu quả của những sự cố y khoa. Đáng chú ý, mỗi năm có hơn một triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật. Vì vậy, cần tránh nhầm lẫn trong phẫu thuật, phẫu thuật phải đúng vị trí, phương pháp, theo đúng quy trình. Áp dụng các biện pháp tránh nhầm tên người bệnh, đánh dấu vị trí phẫu thuật, tránh phẫu thuật sai vị trí; kiểm tra lần cuối cùng người bệnh và vị trí phẫu thuật trước khi rạch da. Sử dụng bảng kiểm trong quá trình phẫu thuật. Mặt khác, bệnh viện và các cơ sở KCB là môi trường dễ bị nhiễm khuẫn, gây ảnh hưởng tới người bệnh nhập viện, do đó cần phải giảm tình trạng nhiễm trùng bệnh viện.

Vì vậy, áp dụng sáu nhóm giải pháp nêu trên sẽ giúp người bệnh không chỉ an toàn trong quá trình chăm sóc, điều trị mà còn giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm bớt rủi ro và nguy hại, bảo đảm an toàn cho người bệnh.