Quyết liệt ngăn chặn bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên

NDO -

Theo số liệu cập nhật của ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, đến ngày 7-7, trên địa bàn đã có 61 ca nhiễm bạch hầu. Trong đó, tỉnh Đắk Nông 25 ca, Kon Tum 23 ca, Gia Lai 13 ca và đã có ba người tử vong (Đắk Nông: hai người, Gia Lai: một người). Hiện các địa phương trong tỉnh đang cách ly hàng nghìn người để theo dõi, phòng bệnh.

Trạm chốt chặn xã Hải Yang - Đắk Đoa, Gia Lai.
Trạm chốt chặn xã Hải Yang - Đắk Đoa, Gia Lai.

Bác sĩ Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, toàn tỉnh hiện có 32 ca bệnh bạch hầu và đã được thực hiện cách ly để phòng dịch tại ba nơi theo dõi, điều trị, gồm: Bệnh viện Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa. Ngành y tế đã cho người dân làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa - nơi bùng phát bệnh uống thuốc phòng dịch. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tiêu độc khử trùng và lập chốt cách ly hơn 1.400 người của làng.

Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, địa phương vừa phát hiện thêm tám ca dương tính với bệnh bạch hầu tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), huyện Krông Nô và Đắk G’long, nâng tổng số hiện nhiễm bệnh này lên 25 ca, trong đó hai trường hợp tử vong. Địa phương này cũng đã cách ly hơn 1.000 người để theo dõi, phòng dịch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận bốn ổ dịch ở các huyện Krông Nô, Đắk R’Lấp và Đắk G’Long (hai ổ dịch), trong đó có 19 bệnh nhân đang điều trị Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông và Trung tâm y tế huyện Krông Nô. Ngoài ra, ngành y tế tỉnh cũng tổ chức cách ly, khoanh vùng các ổ dịch, đồng thời tổ chức tiêm vaccine cho 3.518 người và cho uống thuốc điều trị dự phòng cho 2.569 người trong và ngoài vùng dịch.

Chỉ hơn một tháng kể từ khi phát hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên ở Đắk Nông, ngành y tế các địa phương ở Tây Nguyên đang phải đương đầu với những diễn biến phức tạp. Ngoài sự lây lan nhanh của dịch bệnh, đáng chú ý, những ca bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ở cả những người đã tiêm vaccine phòng bệnh.

Nhận diện bệnh bạch hầu ra sao và giải pháp nào để khống chế sự lây lan của bệnh bạch hầu ra cộng đồng, đang là vấn đề không chỉ của các cơ quan chức năng ở các tỉnh Tây Nguyên mà của cả ngành y tế. Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn số 3612/BTY-DP đề nghị ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, tăng cường các biện pháp theo dõi, kiểm tra và giám sát diễn biến bệnh bạch hầu.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Mai Xuân Hải, bệnh bạch hầu xuất hiện chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, nơi không tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em. Đây là khu vực có hệ miễn dịch thấp. “Người dân thiếu hiểu biết, ít quan tâm và ít có điều kiện tham gia chương trình tiêm phòng toàn dân. Trước việc dịch bệnh bùng phát, Sở cũng đang tiến hành rà soát những trường hợp tiêm phòng chưa đủ liều”, ông Hải cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, trong cộng đồng vẫn còn người lành mang trùng (người mang bệnh). Do đó, bệnh bạch hầu vẫn còn rải rác trong cộng đồng. Theo ông, các nguồn lây đã có sẵn trong cộng đồng. Đến đầu mùa mưa, thời tiết lạnh, ẩm thấp là môi trường tốt để bệnh bạch hầu phát triển. “Những khu vực xuất hiện bệnh đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, nhận thức thấp, không được tiêm vaccine. Có những trường hợp chúng tôi mang vaccine đến nơi, người dân không đưa con đến tiêm”, ông Hùng nêu thực tế.

Ở góc độ khoa học hơn, sau khi phân tích yếu tố dịch tễ và nghe báo cáo của cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên, Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, ông Viên Minh Chiến cho biết, 92% người bị bạch hầu không được tiêm chủng phòng bệnh. Đây sẽ là điều kiện xuất hiện bạch hầu trước tiên. Ngoài ra, bản thân người tiêm không đáp ứng miễn dịch cùng với thời gian khi gặp nguồn bệnh với mức độ phù hợp sẽ xuất hiện ca bệnh. Nói về nguyên nhân dịch lây lan nhanh, ông Chiến cho biết, tại Đắk Nông, quá trình sàng lọc phát hiện bốn ca người lành mang trùng, không có biểu hiện bệnh. Nếu những người này di chuyển tới vùng miễn dịch tốt thì không sao, nhưng tới vùng lõm tiêm chủng, gặp những người không có miễn dịch thì sẽ lây lan bệnh.

“Ở các tỉnh Tây Nguyên, có quá nhiều vùng lõm về tiêm chủng, có đến 92% số người bị bệnh bạch hầu là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng mở rộng chỉ bảo vệ khoảng 5 đến 7 tuổi. Độ tuổi hơn 7 tuổi có thể bị giảm, mất miễn dịch khi gặp những tác nhân thì xuất hiện các ca bệnh. Do đó, khuyến cáo người dân đến 7, 12, 18 tuổi phải tiếp tục tiêm nhắc lại”, ông Chiến cho biết thêm.

Cũng theo ông Viên Minh Chiến, để bệnh được phát hiện, chữa trị sớm thì cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn để nâng cao nhận thức đầy đủ về bệnh. Vì khi phát hiện ra bệnh, đặc biệt phát hiện, gửi mẫu, xác định sớm thì xử lý nhanh, ít nhất chúng ta xử lý được ổ dịch, góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các nơi khác. Ngoài ra, giải pháp bền vững và an toàn nhất vẫn phải là sử dụng vacccine, các tỉnh từ cơ sở cho đến Sở Y tế phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng cần đạt hơn 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế…  

• Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Quyết tâm ngăn chặn dịch bạch hầu bùng phát tại Đắk Nông

• Bạch hầu dịch chuyển sang người lớn, tăng miễn dịch cộng đồng bằng tiêm vaccine

• Thêm chín ca dương tính với bệnh bạch hầu ở Gia Lai

• Ca nhiễm bệnh bạch hầu đầu tiên ở Gia Lai đã tử vong