Quản lý chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh methanol

Bộ Công thương vừa có cuộc họp bàn về tình hình quản lý, sản xuất và kinh doanh liên quan hóa chất nguy hại methanol.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, công tác quản lý hóa chất bị cấm hiện còn nhiều lỗ hổng, bất cập, nhất là hóa chất trong danh mục nguy hiểm như methanol - bản chất là cồn công nghiệp, chỉ được sử dụng vào công nghệ làm sơn, làm véc-ni..., không được uống do độc tính rất mạnh. Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiểm tra kỹ khung khổ pháp lý liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, như Luật Hóa chất, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, các nghị định, thông tư liên quan…; kiểm tra công tác quản lý nhà nước của các Sở Công thương; phối hợp hoặc không phối hợp với các địa phương kiểm tra đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất… Bộ cũng cân nhắc đề xuất về việc pha thêm mầu để phân biệt cồn công nghiệp và cồn thực phẩm vì hiện hai loại này bằng mắt thường không phân biệt được. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp này thì cần có sự quản lý chất lượng, dung lượng khi pha thêm mầu vào cồn công nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống quản lý pháp luật trong quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp, phụ gia… Yêu cầu Cục Quản lý thị trường và Cục Hóa chất phối hợp chặt chẽ với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch hành động, tăng cường tính chủ động, tích cực để tập trung xử lý các cơ sở sản xuất rượu trái phép. Cụ thể, Cục Quản lý thị trường kiểm tra tính chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại hai địa bàn lớn này. Cục Hóa chất phối hợp với hai thành phố kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh hóa chất; tăng cường hậu kiểm tại địa phương; rà lại danh mục các hóa chất nguy hiểm; có kế hoạch ứng phó các sự cố hóa chất tại địa phương; kiểm tra, rà soát thường xuyên, bảo đảm không thất thoát những hóa chất nguy hại thuộc danh mục cấm...