Phòng dịch bằng tiêm chủng

Cậu con trai bị sốt, đau đầu, buồn nôn… và bà mẹ liền tự đi mua thuốc về điều trị tại nhà. Ba ngày, bệnh tình không giảm mà thậm chí nặng hơn, nên mới đưa đến bệnh viện. Khi chuyển lên đến Bệnh viện Nhi T.Ư, cháu bé trong tình trạng bệnh rất nặng, thở ô-xi, li bì, có xu hướng hôn mê, tăng áp lực sọ não. Các bác sĩ đã chẩn đoán và điều trị theo phác đồ viêm não, chống phù não, hạ sốt chống co giật… Sau hơn 10 ngày điều trị, bệnh tình ổn định, có thể xuất viện nhưng bị di chứng về giảm chức năng vận động, cần sáu tháng đến một năm mới có thể phục hồi.

Các bác sĩ cho biết, mùa hè là cao điểm của một số dịch bệnh đối với trẻ em như: viêm não, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng…, trong đó có “mùa cao điểm” của viêm não (tháng 5 đến tháng 7). Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 100 trường hợp trẻ bị viêm não, trong đó có hai trường hợp viêm não Nhật Bản, còn lại là viêm não do herpes, vi-rút khác. 

Đáng chú ý, từ các trường hợp nhập viện, các bác sĩ nhận thấy, hầu hết trẻ đều chưa tiêm phòng vắc-xin hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Có trường hợp trẻ lớn tuổi đã tiêm ba mũi nhưng chưa tiêm nhắc lại (thường sau khi tiêm đủ ba mũi phòng viêm não Nhật Bản, trẻ phải tiêm nhắc lại sau 3 đến 5 năm cho đến khi 15 tuổi). Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ hay bị nhầm lẫn giữa sốt do viêm màng não với các loại sốt khác, nên thường đưa trẻ đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, để lại những di chứng của viêm não vi- rút (25 đến 40%), khiến trẻ mất chức năng vận động, nằm tại chỗ và gần như phải có người chăm sóc suốt đời; nhẹ hơn là động kinh, điếc, kém giao tiếp. Hiện nay, có khoảng 50 đến 60% ca viêm não có thể xác định được nguyên nhân, còn lại khoảng 40% số ca là không tìm ra nguyên nhân. 

Từ những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe của trẻ nói trên, các bậc cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng, chống bệnh tật cho con em mình. Khi có những biểu hiện bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Với viêm não herpes, hiện đã có thuốc điều trị, nên nếu bệnh nhi đến sớm sẽ được điều trị tốt nhất, hạn chế thấp nhất di chứng.  Còn với viêm não Nhật Bản, hiện chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu nhưng đã có vắc-xin phòng bệnh, vì thế cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng và đủ thời gian.