Phát động chiến dịch phòng, chống và loại trừ sốt rét khu vực miền trung - Tây Nguyên

NDO -

Ngày 22-4, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) đã tổ chức lễ mít-tinh, phát động chiến dịch phòng, chống và loại trừ sốt rét nhân ngày Thế giới phòng, chống sốt rét 25-4, với chủ đề “Đầu tư nguồn lực nhằm đạt mục tiêu loại trừ sốt rét”.

Lễ phát động.
Lễ phát động.

Sốt rét là căn bệnh có thể phòng ngừa được nhưng hằng năm, lại có hàng triệu người tử vong và sức khỏe của hàng trăm triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, trong năm 2019, toàn thế giới có 229 triệu người mắc sốt rét, giảm 9 triệu so năm 2015 (283 triệu ca); trong đó, có 409.000 ca tử vong.

Tại Việt Nam, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn, những năm gần đây, bệnh sốt rét có xu hướng giảm. Năm 2020, cả nước có 1.733 ca, giảm 8.713 ca so năm 2016 là 10.446 ca. Riêng khu vực miền trung - Tây Nguyên, năm 2020 có 1.175 ca, giảm 1.781 ca so năm 2016 (2.956 ca). 

Mặc dù đạt được những thành tích nhất định, tuy nhiên, bệnh sốt rét vẫn là một thách thức lớn đối với xã hội, đe dọa bùng phát trở lại. Ngoài vấn đề chuyên môn, kỹ thuật như ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất, sự phục hồi của các vector ở các vùng ngừng biện pháp can thiệp hóa chất. Sự biến động về dịch tễ sốt rét như giao lưu ngày càng nhiều vào các vùng sốt rét lưu hành, sinh thái môi trường bị thay đổi… Bên cạnh đó, mạng lưới y tế thôn bản là vấn đề mấu chốt để duy trì và phát huy thành quả phòng, chống sốt rét nhưng mức độ bao phủ chưa đạt yêu cầu. Nhiều nơi có nhân viên y tế thôn bản nhưng mức thù lao thấp, kiến thức chuyên môn hạn chế, địa bàn phức tạp với hiệu quả hoạt động chưa cao.

Các tỉnh miền trung - Tây Nguyên là khu vực trọng điểm về sốt rét của cả nước. Khu vực này luôn lưu hành một mặt bằng tỷ lệ mắc - tử vong do sốt rét cao hơn các khu vực khác. Di biến động dân cư lớn, đặc biệt là di dân tự do, khó kiểm soát; tình hình kinh tế xã hội vùng sốt rét còn nhiều khó khăn; tập quán đi rừng, ngủ rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số, luôn lưu hành một tỷ lệ khá cao ký sinh trùng lạnh trong cộng đồng…

Bên cạnh đó, các yếu tố có tính bền vững như công tác xã hội hóa phòng, chống sốt rét, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có lúc có, nơi còn hạn chế; hoạt động của y tế cơ sở, nhất là y tế thôn bản chưa hiệu quả, y tế tư nhân chưa được quản lý đúng mức. Chất lượng các biện pháp kỹ thuật điều trị, phun tẩm hóa chất chưa cao; coi trọng biện pháp phun tẩm phòng chống vector, xem nhẹ công tác giám sát dịch tễ, quản lý ca bệnh, phát hiện sớm điều trị ngay từ tuyến cơ sở.

Do đó, sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về sốt rét, từ đó phát động phong trào phòng ngừa và điều trị sốt rét trong cộng đồng các tỉnh, thành miền trung - Tây Nguyên; kêu gọi sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương, ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống tiến đến loại trừ sốt rét.