Phân công rõ trách nhiệm quản lý trong phòng, chống tác hại của rượu bia

NDO -

Nghị định 117/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ phân định thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan quản lý các cấp, tránh được sự đùn đẩy, chồng chéo hoặc có những khoảng trống trong quản lý vi phạm trong lĩnh vực rượu bia.  

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

Sáng 28-9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai một số văn bản pháp luật hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của rượu bia.

Phân định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý

Theo thống kê của ngành Y tế, tại Việt Nam, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi 15- 49. Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại Hội nghị một lần nữa nhấn mạnh hệ lụy khôn lường của việc sử dụng rượu bia. Cụ thể, chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).

Su khi Luật phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực ngày 1-1-2020, Chính phủ, các Bộ Y tế và Bộ Công thương đã ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn để triển khai Luật đi vào cuộc sống.

Theo ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Nghị định 117/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ ngày 15-11-2020, thay thế Nghị định 176/NĐ-CP), trong đó có mức xử phạt với các quy định liên quan đến phòng, chống tác hại rượu bia có nhiều điểm mới tiến bộ.

Một điểm nữa liên quan đến phân công trách nhiệm, Nghị định này sẽ phân công trách nhiệm một cách rõ ràng vai trò của từng bộ, ngành có liên quan, trách nhiệm của UBND các cấp.

“Đặc biệt, Nghị định quy định chi tiết trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã trong quản lý, thông tin giáo dục truyền thông liên quan đến phòng, chống tác hại rượu bia trong phạm vi địa bàn quản lý; Trách nhiệm quản lý rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh hay không. Từ việc phân định trách nhiệm sẽ tránh sự buông lỏng, chồng chéo trong quản lý, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan”, bà Trang cho hay.

Liên quan đến nguồn lực chi cho phòng, chống tác hại rượu bia, do đây là lĩnh vực liên ngành, đòi hỏi sự đầu tư cao nên Chính phủ có quy định ngoài mức chi chung đặc thù còn quy định nội dung chi về phòng, chống tác hại rượu bia, tạo nguồn lực cho các cấp cơ sở có đủ nguồn lực triển khai luật, biết rõ nội dung chi tiêu để triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại rượu bia một cách hiệu quả.

Phân công rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý trong phòng, chống tác hại rượu bia -0
 ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Muốn bán rượu thủ công phải đăng ký kinh doanh

Với 80% dân số tiêu thụ rượu bia và rượu thủ công vẫn là vấn đề chưa thể quản lý chặt chẽ, theo bà Trần Thị Trang cho biết, trong kinh doanh rượu thủ công, các hoạt động người dân sản xuất rượu thủ công làm nguyên liệu bán cho doanh nghiệp đã được quản lý tương đối tốt. Những cơ sở này có kê khai sản lượng, đăng ký với UBND cấp xã. 

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để quản lý sản phẩm rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh do người dân sản xuất để tự tiêu dùng, làm quà tặng và có cả bán ra thị trường.

Do đó, Luật và các Nghị định mới nhằm quản lý hoạt động này để họ phải kê khai sản lượng, bảo đảm về mặt chất lượng và không được đưa sản phẩm kinh doanh trực tiếp. Họ phải bán lại cho doanh nghiệp chế biến, còn nếu muốn bán phải có đăng ký kinh doanh. Đây là biện pháp quản lý mới của Luật và Nghị định nhằm quản lý hoạt động rượu thủ công.

Trách nhiệm chính là giao cho UBND cấp xã theo sát từng hộ gia đình. Họ sẽ có trách nhiệm đến từng hộ gia đình, phát hướng dẫn, đôn đốc cách kê khai bảo đảm được quản lý sản lượng. Chính phủ đã ban hành Nghị định xử phạt trong lĩnh vực thương mại, trong đó có các vấn đề liên quan trách nhiệm pháp lý nếu không tuân thủ nội dung này.

“Đây là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý. Hiện nay, chúng ta tiêu thụ rượu thủ công hơn 200 triệu lít/năm và vấn đề tiêu dùng trực tiếp cao chúng ta cần phải kiên trì, thường xuyên kiểm tra giám sát đôn đốc, tuyên truyền để người dân tuân thủ dần dần. Người dân có thể bán nhưng phải đăng ký kinh doanh. Từ quản lý sản lượng thì chúng ta sẽ quản lý được chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, chúng ta cũng quản lý được việc kinh doanh tránh thất thu thuế, quản lý hoạt động hợp pháp, tránh bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh”, bà Trang nói.

Cũng theo bà Trang, khi lực lượng chức năng triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) thì tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và tai nạn thương tích do sử dụng rượu bia cũng đã giảm đáng kể. Đặc biệt, tình trạng ép mời rượu, bia khi lái xe đã có những chuyển biến tích cực cho thấy luật đang đi vào cuộc sống.

Để duy trì thành quả này, bà Trang cho rằng, cần phải một quá trình liên tục duy trì phối hợp giữa các cơ quan. Thách thức đối với một đạo luật đi vào cuộc sống đòi hỏi sự đồng bộ, liên tục, thường xuyên để tránh lúc mới ban hành thì chú trọng nhưng sau đó thì trầm lắng, xao nhãng về thực thi, kiểm tra khiến tỷ lệ vi phạm tăng trở lại.