Nỗ lực phòng, chống tai nạn thương tích

Để từng bước giảm tai nạn thương tích (TNTT) ở cộng đồng, thời gian qua, ngành y tế đã chủ động phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, các địa phương triển khai nhiều giải pháp. Bước đầu đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, giảm tỷ lệ chết do TNTT.

Theo PGS, TS Phạm Việt Cường (Trường đại học Y tế công cộng), TNTT được xem là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam thời gian qua. TNTT là một trong những nguyên nhân quan trọng gây chết người ở Việt Nam, nhất là nhóm tuổi dưới 20. Với tỷ suất chết do TNTT là 38,6/100 nghìn dân, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 35 nghìn trường hợp chết do TNTT, trong đó nguyên nhân chính do tai nạn giao thông đường bộ và đuối nước. Bên cạnh đó, có khoảng 1,8 triệu trường hợp bị TNTT mức độ nghiêm trọng, cần đến sự can thiệp y tế, hoặc phải nghỉ học, nghỉ làm ít nhất một ngày.

Từ năm 2002, Việt Nam đã triển khai kế hoạch phòng, chống TNTT, trong đó có xây dựng mô hình cộng đồng an toàn. Dựa trên các tiêu chí về cộng đồng an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 170/QĐ - BYT về việc Hướng dẫn xây dựng cộng đồng an toàn, phòng, chống TNTT; Quyết định số 216/QĐ-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống TNTT tại cộng đồng của ngành y tế giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu đến 2020, 100% các tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống TNTT tại cộng đồng và tổ chức các hoạt động tại địa phương; 100% các tỉnh, thành phố thực hiện tuyên truyền, giáo dục và đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng của cán bộ y tế và cộng đồng trong phòng, chống TNTT; hơn 95% số địa phương có tổ chức giám sát, báo cáo đúng hạn, đầy đủ số liệu TNTT tại các cơ sở y tế và cộng đồng; củng cố và phát triển mạng lưới và năng lực sơ cứu, cấp cứu TNTT tại cộng đồng và chăm sóc tại các cơ sở y tế; 100% số nhân viên y tế thôn, bản biết cách sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị TNTT; tăng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn...

Để thực hiện mục tiêu đề ra, bên cạnh sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp các bộ, ngành có liên quan triển khai sâu rộng các nhiệm vụ phòng, chống TNTT của ngành y tế và bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2018, đã có 42 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống TNTT, có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện trên địa bàn triển khai kế hoạch. Các địa phương đã tổ chức được gần 1.800 buổi họp dân về nội dung phòng, chống TNTT; tổ chức hơn 30 nghìn lượt thăm hộ gia đình; tổ chức các buổi nói chuyện về phòng, chống TNTT, trong đó có phòng, chống TNTT trẻ em, tai nạn giao thông, bạo lực tại các trường học và cộng đồng. Một số tỉnh, thành phố đã lồng ghép kế hoạch phòng, chống TNTT trong các phong trào, như: xây dựng nông thôn mới; trường học thân thiện, tích cực; tháng hành động quốc gia vệ sinh an toàn lao động... Đến nay đã có 220 xã, phường trên cả nước được công nhận là cộng đồng an toàn quốc gia, với các mô hình như ngôi nhà an toàn, gia đình an toàn, trường học an toàn. Ngoài ra, hệ thống giám sát tỷ lệ bị TNTT và tử vong do TNTT đã được thiết lập, làm cơ sở xây dựng chính sách, can thiệp phòng, chống TNTT. Năng lực cấp cứu và chăm sóc chấn thương do TNTT được tăng cường và thực hiện thành công tại nhiều địa phương. Một số địa phương dọc đường quốc lộ, tỉnh lộ đã đầu tư nhân lực, trang thiết bị, kinh phí phục vụ sơ cứu, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu 115, góp phần làm giảm số trường hợp chết trước khi đến viện... Trong mười năm qua, với các chính sách và sự can thiệp về phòng, chống TNTT của các bộ, ngành, địa phương đã góp phần giảm gần 20% tỷ lệ chết do TNTT tại cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống TNTT vẫn còn gặp nhiều thách thức, như: số người bị TNTT và số người chết do TNTT ở nước ta vẫn còn cao; môi trường còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT, cho nên ngành y tế cần tiếp tục phối hợp các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện và triển khai hiệu quả các chính sách phòng, chống TNTT; tăng cường công tác giám sát, thu thập số liệu, nghiên cứu, đánh giá các hoạt động phòng, chống TNTT. Cần nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống TNTT ở các tuyến; tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình xây dựng cộng đồng an toàn - phòng, chống TNTT, trong đó tập trung phong trào chống đuối nước cho trẻ em.