Nhiều bệnh nhi vượt qua nguy kịch nhờ hội chẩn từ xa

NDO -

Nhiều ca bệnh phức tạp như nhiễm khuẩn huyết, viêm mô tế bào/suy đa tạng, suy thận cấp, viêm phổi hoại tử, ca bệnh u não tái phát sau phẫu thuật... tại các cơ sở sản nhi tuyến dưới đã được Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn từ xa thành công. 

PGS, TS Trần Minh Điển chủ trì các ca hội chẩn.
PGS, TS Trần Minh Điển chủ trì các ca hội chẩn.

Chỉ trong 10 ngày qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã kết nối để hỗ trợ, tư vấn từ xa về chuyên môn cho tám bệnh viện tuyến dưới, trong đó có những ca bệnh phức tạp.

Tại Ninh Bình, một bé gái tám tháng tuổi (ở Ninh Bình) bị bệnh 12 ngày, sốt cao liên tục, ho, khó thở tăng dần. Trẻ được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình trong tình trạng suy hô hấp, môi tím, nhịp tim nhanh. Các bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình chẩn đoán cháu bị viêm phổi màng phổi/theo dõi viêm phổi hoại tử. Tuy đã được xử trí, đặt dẫn lưu màng phổi, thở máy nhưng trẻ vẫn sốt cao liên tục, tình trạng tiến triển chậm.

Tại buổi hội chẩn từ xa ngày 25-2 do PGS, TS Trần Minh Điển – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc phụ trách quản lý và điều hành Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp chủ trì, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương sau khi hội chẩn đồng ý với chẩn đoán và hướng xử trí của Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình.

Đồng thời, BS Điển nhận định, bệnh nhi này cần mổ bóc tách màng phổi và dẫn lưu ổ áp-xe để giải quyết triệt để ổ nhiễm trùng. Tuy vậy, kỹ thuật mổ nội soi này hiện chưa được triển khai tại Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình. Sau khi xem xét, đánh giá tình trạng trẻ đáp ứng được tiêu chuẩn vận chuyển an toàn, bệnh nhi đã được chuyển tuyến và thực hiện thành công ca mổ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Một trường hợp khác là ca bệnh của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình). Bé gái sáu tuổi này vào viện trong tình trạng sốt cao, viêm tấy bàn chân và đùi trái. Sau một ngày nhập viện, tình trạng viêm tấy lan ra nhiều nơi trong cơ thể và tạo ra các ổ áp-xe.

Nhiều bệnh nhi vượt qua nguy kịch nhờ hội chẩn từ xa -0
 Hơn 100 trường hợp bệnh nhân nặng đã được hội chẩn từ xa từ Bệnh viện Nhi Trung ương.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới đã sử dụng kháng sinh, trích dẫn lưu mổ áp-xe, làm các xét nghiệm, nuôi cấy dịch mủ xác định được vi khuẩn gây bệnh chính là Burkholderia Pseudomalei (bệnh Whitmore).

Tuy nhiên, do lo ngại về vấn đề sử dụng kháng sinh kéo dài, bệnh tái đi tái lại, ngày 22-2, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới đã xin hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Nhi Trung ương để khẳng định chẩn đoán, hướng điều trị tiếp theo nhằm tránh tái phát và các biến chứng cho bệnh nhi.

Sau khi đánh giá và hội chẩn các chuyên khoa, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương đã khẳng định chẩn đoán đồng thời hướng dẫn các bác sĩ tuyến dưới theo dõi và lưu ý liệu trình điều trị kháng sinh cho người mắc bệnh Whitmore.

Đến nay, cùng với tư vấn, phác đồ điều trị của Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi đã được điều trị ổn định, kết thúc giai đoạn tấn công và được ra viện, tiếp tục điều trị ngoại trú liên tục trong ba tháng. Sau đó trẻ sẽ được khám định kỳ để đánh giá, phòng ngừa tái phát, biến chứng...

Dự án Khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Nhi Trung ương chính thức khai trương từ tháng 9-2020. Sau sáu tháng triển khai thực hiện, chương trình đã trở thành một hoạt động thường quy tại bệnh viện. Tính đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã kết nối được 174 điểm cầu; thực hiện hội chẩn liên viện, liên chuyên khoa cho hơn 100 trường hợp bệnh nhân nặng.

PGS, TS Trần Minh Điển chia sẻ, Bệnh viện Nhi Trung ương sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chuyên môn với các đồng nghiệp tuyến dưới vì mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ sức khỏe trẻ em. Ngoài lợi ích cho người bệnh được chẩn đoán và xử trí kịp thời, mỗi ca bệnh thực sự là buổi học lâm sàng phân tích ca bệnh cụ thể, trong điều kiện cụ thể của tuyến dưới. Điều này giúp cho các bác sĩ tuyến dưới nâng cao được kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và đặc biệt là thái độ xử trí phù hợp với tình trạng bệnh.

Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, chương trình Telehealth lại càng phát huy hiệu quả khi vẫn đảm bảo được yêu cầu giãn cách xã hội.