Ngành y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích hơn so với dùng tiền mặt như: An toàn, nhanh chóng, chính xác và công khai, minh bạch. Người bệnh cũng tiết kiệm được thời gian, từ đó tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế.

Ki-ốt thanh toán viện phí điện tử ở Bệnh viện Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Ki-ốt thanh toán viện phí điện tử ở Bệnh viện Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Đến nay, 100% bệnh viện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý bệnh viện ở các mức độ khác nhau, một số bệnh viện đã bước đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; 99,5% các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong công tác hiện đại hóa hành chính, Bộ Y tế đã đạt các chỉ tiêu do Chính phủ giao, triển khai được nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Một số hệ thống thông tin y tế có quy mô quốc gia đã được triển khai như: Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng, Hệ thống ngân hàng dữ liệu dược, Hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình, Hệ thống thống kê y tế điện tử, Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử...

Có thể khẳng định, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược. Kết quả ứng dụng CNTT trong y tế thời gian qua tạo bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa y tế, đặc biệt là số hóa bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh; đồng thời đây cũng là nền tảng quan trọng để triển khai thanh toán điện tử đối với các dịch vụ hành chính công, viện phí...

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, đến nay, trong toàn ngành y tế đã có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, một số bệnh viện đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh.

Tuy nhiên, phương thức thanh toán điện tử trong ngành y tế còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử hiện còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử trong hầu hết các giao dịch. Hiện nay, vẫn còn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, miền núi; cán bộ bệnh viện nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay còn thấp. Một rào cản lớn nữa là phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn khá cao và bệnh viện chưa có các cơ chế tài chính để chi trả phí giao dịch điện tử.

Nhận thức rõ lợi ích của thanh toán điện tử và để đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế, Bộ Y tế triển khai kế hoạch thực hiện thanh toán các chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Các giải pháp được tập trung thực hiện là: Quán triệt trong toàn ngành về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.

Từ nhận thức đầy đủ về lợi ích và ý nghĩa của thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị trong toàn ngành phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện cần thiết để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị. Các cơ sở y tế phải chủ động phối hợp các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp để thanh toán chi phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ðối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị phải triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 31-12-2019 theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ.

Các cơ sở y tế triển khai nhiều giải pháp để người dân dễ dàng và thuận lợi thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Công bố công khai số tài khoản, hướng dẫn nội dung chuyển tiền để người dân có thể chuyển tiền thanh toán chi phí dịch vụ y tế. Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Ðối với triển khai hình thức thanh toán thông qua QR Code, khi triển khai cần lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở TCVN 03:2018 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành và chuẩn cấu trúc thông tin QR Code y tế do Bộ Y tế quy định. Ðối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế cần phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân. Mặt khác, tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán điện tử, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán chi phí dịch vụ y tế...

Việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị quyết của Chính phủ là một nhiệm vụ chính trị của ngành y tế. Phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua nhất là các thành tựu về ứng dụng CNTT; đồng thời khắc phục những bất cập, khó khăn khi triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của bộ, ngành và địa phương, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ trong ngành, ngành y tế sẽ triển khai thành công thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ, góp phần xây dựng xã hội không tiền mặt - xã hội văn minh, hiện đại.