Một người bị ngộ độc nặng sau khi uống nhầm tinh dầu quế

NDO -

BS Nguyễn Đăng Đức, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm Chống độc đang điều trị cho bệnh nhân Ng.T.T (70 tuổi) chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc tinh dầu quế và viêm phổi nặng.

BS Nguyễn Đăng Đức đang thăm khám cho bệnh nhân.
BS Nguyễn Đăng Đức đang thăm khám cho bệnh nhân.

Bệnh nhân thở theo bóp bóng, phổi thông khí kém, nhiều đờm đặc quánh. Mạch đo được 110 lần/phút, huyết áp 140/90 mmHg, SpO2 85%, đang duy trì Noradenalin 0,15 mcg/kg/phút, bụng trướng, đi ngoài phân vàng.

Theo lời kể của người nhà, trước vào viện một tuần, bệnh nhân có đến nhà bạn chơi và sơ suất uống nhầm một cốc tinh dầu quế. Sau đó bệnh nhân xuất hiện đau bụng, nôn ra thức ăn kèm đi ngoài phân lỏng.

Bệnh nhân được người nhà đưa đến BVĐK tỉnh Thanh Hóa, được rửa dạ dày. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân xuất hiện tình trạng lơ mơ, tụt huyết áp. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và duy trì vận mạch. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, ngộ độc tinh dầu quế trên nền bệnh nhân có tiền sử xơ gan và đái tháo đường. Bệnh nhân được chuyển tuyến lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực, kháng sinh liều cao, duy trì vận mạch. Sau 2haingày điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở ô-xy khí phòng. Hiện tại, sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc chậm, thở ô-xy khí phòng, phổi thông khí hai bên rõ, huyết áp 120/60, còn đi ngoài nhiều.

TS, BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các loại tinh dầu là chiết xuất bay hơi, có mùi hương được sử dụng rộng rãi trong nhiều phương pháp trị liệu, từ chữa vết viêm nhiễm, nhiễm trùng nhỏ cho đến giảm căng thẳng. Hiện nay, tinh dầu nói chung và tinh dầu quế nói riêng được sử dụng khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Ngộ độc tinh dầu thường xảy ra do bệnh nhân uống nhầm. Ngộ độc tinh dầu quế gây tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa, biến chứng viêm phổi.

Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện ra nạn nhân uống nhầm tinh dầu, mọi người cần bình tĩnh và thực hiện biện pháp sơ cứu kịp thời, chính xác, tránh việc hoảng loạn sẽ càng làm mất thêm thời gian cũng như bỏ qua giai đoạn sơ cứu quan trọng nhất.

"Việc đầu tiên mà bạn cần phải làm trong quá trình sơ cứu là nhanh chóng giúp nạn nhân nôn được hết chỗ tinh dầu đã uống bằng cách móc họng để nạn nhân có thể nôn ra. Bước tiếp theo là cần cho nạn nhân uống thật nhiều nước lọc pha ấm, rồi sau đó lại thực hiện tiếp việc móc họng nhằm gây nôn để giúp nạn nhân nôn sạch được các độc tố có trong dạ dày ra khỏi cơ thể. Tiếp theo cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời", BS Nguyên nói.

Để phòng tránh việc uống nhầm tinh dầu, các bác sĩ khuyến cáo mỗi cá nhân cần lưu ý trong bảo quản tinh dầu như sử dụng nắp chống tràn, khóa an toàn cho trẻ em và để tách biệt với các loại dược phẩm khác. Người dân cần lưu trữ tinh dầu vào các chai lọ chuyên dụng, có nhãn mác, ghi chú rõ ràng và chú ý tránh xa tầm với của trẻ em.