37 ca lây nhiễm trong một tuần:

Lỏng lẻo trong quản lý cách ly tập trung và giám sát sau cách ly

NDO -

Lỏng lẻo trong khâu cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly, giám sát các trường hợp sau khi rời khỏi khu cách ly về địa phương được coi là một trong những nguyên nhân khiến cho dịch Covid-19 bùng phát trở lại với 37 ca nhiễm trong cộng đồng kể từ ngày 27-4 đến nay. 

Khách sạn Như Nguyệt ghi nhận chùm ca bệnh của chuyên gia Ấn Độ và Trung Quốc.
Khách sạn Như Nguyệt ghi nhận chùm ca bệnh của chuyên gia Ấn Độ và Trung Quốc.

Lỏng lẻo trong cả khâu quản lý cách ly tập trung và giám sát người kết thúc cách ly

Theo Công văn số 425 Hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 19-1-2021, người cách ly phải khai báo với Bí thư chi bộ thôn (khu phố), trưởng thôn (khu phố) khi về đến nơi lưu trú và phải có cam kết thực hiện việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú; Phải chủ động thông báo cho cơ quan y tế địa phương nơi lưu trú biết ngay khi trở về từ khu cách ly tập trung về tình trạng sức khỏe và ghi nhật ký tiền sử tiếp xúc gần cho đến khi hết 14 ngày tiếp theo.

Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú tại địa phương tiếp nhận thông tin về những người đã hoàn thành cách ly về địa bàn cư trú, có kế hoạch và thực hiện quản lý, kiểm tra, theo dõi y tế họ cho đến hết 14 ngày.

Tuy nhiên, các trường hợp phát hiện mắc Covid-19 sau khi hoàn thành cách ly phát hiện mắc Covid-19 vừa qua đều có lịch trình đi lại dày đặc, tiếp xúc nhiều người, vi phạm quy định cách ly tại địa phương.

Tính đến sáng 4-5, Việt Nam phát hiện tới 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó lớn nhất là cụm ca bệnh tại Vĩnh Phúc (14), Hà Nam (14)… Dịch đã dần lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong đó có những địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Nếu tính cả nam chuyên gia Ấn Độ ở Hà Nội vừa phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sáng nay sau khi rời khỏi khu cách ly từ Hải Phòng về Hà Nội, từ 27-4, Việt Nam đã phát hiện ba trường hợp sau khi hết cách ly tập trung (đã xét nghiệm 2-3 lần âm tính) lại nhận kết quả dương tính khi trở về nơi cư trú.

Nhiều câu hỏi được đặt ra, công tác xét nghiệm có vấn đề hay khâu tổ chức cách ly tập trung, giám sát người về cách ly tại địa phương đang bộc lộ những bất cập, lỏng lẻo.

Tại Yên Bái, hiện đã phát hiện ra hai chùm ca bệnh của nhóm chuyên gia người Trung Quốc và Ấn Độ. Một nhân viên khách sạn được xác định mắc Covid-19 khi lây từ nhóm chuyên gia Ấn Độ. Sau cách ly 14 ngày tại khách sạn Như Nguyệt, nhóm chuyên gia người Trung Quốc cũng đã được phát hiện mắc Covid-19 khi nhập cảnh trở về nước. Nhóm chuyên gia này đã là nguồn lây cho 14 ca bệnh tại Vĩnh Phúc.

Điều đáng lưu ý, sau cách ly, nhóm chuyên gia Trung Quốc đã di chuyển tới nhiều địa điểm, nhiều nhà hàng, quán bar… tiếp xúc với nhiều người. 

Kết quả giải trình tự gien của ba ca bệnh tại Vĩnh Phúc sáng 4-5 cho thấy đều mang biến chủng SARS-CoV-2 của Ấn Độ. 

Rõ ràng đã có lỗ hổng tại cơ sở cách ly tại Yên Bái. Cơ sở này chưa sắp xếp cách ly tập trung cho nhóm chuyên gia nhập cảnh đến từ các quốc gia có dịch bùng phát mạnh do biến thể mới dẫn tới lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Lỏng lẻo trong cách ly tập trung, giám sát -0
 Bộ Y tế kiểm tra công tác cách ly tập trung tại Yên Bái. 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Yên Bái vào sáng 2-5, lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái thừa nhận việc quản lý, giám sát sau cách ly với nhóm chuyên gia Trung Quốc còn lỗ hổng, sai sót. Lãnh đạo tỉnh Yên Bái thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của Ban Chỉ đạo chống dịch thời gian qua.

Cũng vẫn câu chuyện phát hiện mắc Covid-19 sau khi rời khỏi khu cách ly tập trung, chỉ ba ngày sau rời khỏi khu cách ly tập trung tại Đà Nẵng, bệnh nhân 2.899 tại Hà Nam phát hiện triệu chứng mắc Covid-19. Tuy nhiên, trong ba ngày ấy, bệnh nhân này đã kịp đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, đi bằng nhiều phương tiện công cộng. Kết quả là, BN 2.899 đã lây lan cho 19 trường hợp.

Thực tế, công tác quản lý, giám sát 14 ngày tiếp theo tại nhà, nơi làm việc của những người nhập cảnh sau khi hết cách ly tập trung còn đang bộc lộ nhiều lỏng lẻo. Các ca cách ly tập trung này khi rời khỏi khu cách ly đã không có ai giám sát việc tiếp tục cách ly tại nhà.

Nếu người từ khu cách ly về tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết, khai báo y tế đầy đủ thì sẽ không có những vụ việc như vừa rồi xảy ra, không để bệnh lây lan sang các tỉnh. Đặc biệt, việc đi uống bia rượu, hát karaoke, không đeo khẩu trang… đã vi phạm vào quy định áp dụng biện pháp phòng bệnh cá nhân sau 14 ngày cách ly tập trung. 

Có hay không lỗ hổng trong công tác xét nghiệm?

GS, TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, từ các trường hợp dương tính sau khi kết thúc cách ly, có khả năng xảy ra kết quả âm tính giả, dương tính giả trong xét nghiệm SARS-CoV-2.

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sai sót trong xét nghiệm SARS-CoV-2 như quá trình lấy mẫu bệnh phẩm, kit test xét nghiệm chưa có sự đồng nhất. Ngoài ra, yếu tố quản lý môi trường xét nghiệm, mẫu bệnh phẩm…, cũng có thể khiến kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng.

Chuyên gia này nhấn mạnh tính giả trong xét nghiệm là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế cần xem xét cơ chế giám sát, cấp phép nghiêm ngặt labo xét nghiệm khẳng định; giám sát các phòng xét nghiệm nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định về chuyên môn, kỹ thuật. 

PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho rằng, trong việc các ca bệnh dương tính khi rời khu cách ly, cần phải xác định rõ xem lần xét nghiệm cuối cùng của cách bệnh nhân tại khu cách ly là ngày thứ bao nhiêu, có đúng là ngày thứ 14 không.

"Theo quy định, trường hợp hết cách ly tập trung phải có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 14. Nếu bệnh nhân này được xét nghiệm sớm trước 14 ngày, thì kết quả âm tính này không có ý nghĩa", ông Phu nói. 

Theo TS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, việc kiểm soát tại khu cách ly cần được siết chặt lại. Nhiều cơ sở cách ly đang thực hiện cách ly sai ngày. “Phải có mẫu xét nghiệm của người thực hiện cách ly ngày 14 âm tính. Người được cách ly không thể ra khỏi khu cách ly đúng ngày 14 mà phải sau ngày 14 (ngày 15) vì xét nghiệm phải có thời gian mới biết âm hay dương. Một người có thể ngày thứ 14 âm tính nhưng đã tiếp xúc với F0 nào đó trong khu cách, phải tính lại từ đầu, từ giờ tiếp xúc cuối cùng với F0, tiếp tục cách ly lại đủ 14 ngày”, BS Khanh nói. Theo đó, các địa phương cần xem xét lại khu cách ly không chuyên như tại các khách sạn.

Hiện nay, Việt Nam đã có hàng nghìn trường hợp cách ly tại nhà sau khi kết thúc cách ly tập trung, nếu địa phương không tuân thủ nghiêm, lơ là, mất cảnh giác thì hậu quả xảy ra vô cùng nghiêm trọng như những gì đang diễn ra tại Hà Nam, Yên Bái.  

Để bảo đảm an toàn, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm hai lần âm tính). 

Thời gian bắt đầu thực hiện từ: 00 giờ ngày 4-5-2021. Các địa phương sẽ thực hiện chờ cho tới khi có thông báo mới của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan