Lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam

Trên cơ sở kết quả phòng, chống bệnh sốt rét từ các quốc gia có sốt rét lưu hành, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa khuyến cáo về chiến lược mới trên quy mô toàn cầu về loại trừ sốt rét. WHO cũng đưa ra chiến lược loại trừ sốt rét cho khu vực tiểu vùng sông Mê Công với mục tiêu sẽ loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030.
Cán bộ y tế tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc phòng, chống sốt rét.
Cán bộ y tế tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc phòng, chống sốt rét.

Ở Việt Nam, công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét đã đạt được các kết quả quan trọng trong giai đoạn vừa qua với số ca mắc và chết giảm liên tục qua các năm. Trong 10 năm gần đây, số người mắc sốt rét giảm dần, từ 60.867 người (năm 2009) xuống còn 6.870 người năm 2018 (giảm 88,71%); số người chết do bị bệnh sốt rét cũng giảm từ 27 xuống còn một trường hợp; vùng có bệnh sốt rét lưu hành cũng ngày càng thu hẹp. Kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2014 cho thấy, số xã có bệnh sốt rét lưu hành giảm 30,4%, dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành giảm 23,48% so với năm 2009. Bệnh sốt rét tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Chúng ta đã sớm đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phòng, chống sốt rét; đã xây dựng và thực hiện đầy đủ khung pháp lý và chính sách về phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét. Chính phủ cũng đã tập trung nỗ lực về nguồn tài chính, đưa hoạt động phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét trở thành một chương trình ưu tiên về y tế. Bên cạnh đó là sự tham gia tích cực và mạnh mẽ hơn của cộng đồng và các tổ chức xã hội để thuận lợi cho triển khai các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét một cách bền vững. Các kỹ thuật về chẩn đoán, điều trị sốt rét đã được cải thiện và đáp ứng yêu cầu, năng lực giám sát phát hiện của hệ thống y tế đã được nâng cao và bao phủ toàn diện. Đã thực hiện phân vùng dịch tễ sốt rét cho từng tỉnh, huyện, xã, đây là cơ sở quan trọng cho việc bố trí nguồn lực, lựa chọn các hoạt động ưu tiên và áp dụng các biện pháp can thiệp cần thiết về phòng, chống và loại trừ sốt rét phù hợp cho từng vùng tương ứng với các giai đoạn để tiến tới loại trừ sốt rét cho từng địa phương, từng vùng và toàn quốc vào năm 2030.

Ngày 4-1-2017, Bộ trưởng Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Lộ trình loại trừ bệnh sốt rét ở mỗi huyện, tỉnh được xây dựng dựa vào các yếu tố như: Tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét/1.000 dân số vùng sốt rét lưu hành trong 5 năm, từ 2011 - 2015; khả năng giám sát, phát hiện, chẩn đoán, điều tra trường hợp bệnh, điều tra phân loại và xử lý ổ bệnh sốt rét, giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét.

Loại trừ bệnh sốt rét là không phát hiện trường hợp bệnh sốt rét lan truyền tại chỗ trong ba năm liền tại một khu vực địa lý nhất định (xã, huyện, tỉnh). Theo lộ trình loại trừ bệnh sốt rét được Bộ Y tế phê duyệt, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ loại trừ sốt rét do Plasmodium falciparum gây ra và đến năm 2030 sẽ loại trừ hoàn toàn các loài sốt rét trên phạm vi toàn quốc.

Việc xây dựng lộ trình loại trừ bệnh sốt rét cho từng huyện, tỉnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện có ý nghĩa thực tiễn rất lớn giúp các địa phương chủ động xây dựng các mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét, xây dựng kế hoạch phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét hằng năm. Đến cuối năm 2019, Việt Nam sẽ xác nhận loại trừ sốt rét tại 25 tỉnh, thành phố gồm: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang.

Thực hiện Nghị quyết số 20 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và để đạt được mục tiêu loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét ở nước ta vào năm 2030 như lộ trình đã đặt ra, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chuyên môn, sự tích cực tham gia của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách xã hội, chuyên môn kỹ thuật, tăng cường nguồn lực đầu tư nhằm đưa công tác loại trừ bệnh sốt rét vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xã hội hóa công tác phòng, chống sốt rét; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt người dân sống ở vùng sốt rét về các biện pháp phòng, chống muỗi truyền bệnh làm giảm mắc sốt rét. Các cơ quan chuyên môn nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét; huy động nguồn viện trợ quốc tế cho công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả chương trình.

Tại các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm về sốt rét, cần chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hằng năm cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét theo phân cấp, đáp ứng nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét ở địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét, tập trung vào công tác giám sát, điều tra, can thiệp xử lý trường hợp bệnh, ổ bệnh nhằm ngăn chặn và cắt đứt nguồn lây nhiễm ra cộng đồng. Ở những vùng đã được xác nhận loại trừ bệnh sốt rét, các địa phương cần tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhằm duy trì tình trạng không có sốt rét và ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sốt rét ngoại lai.