Kiện toàn mạng lưới, đầu tư nguồn lực để thực hiện các mục tiêu y tế - dân số

Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Thái Nguyên tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm kiện toàn mạng lưới y tế, đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và giảm tình trạng quá tải người bệnh cho bệnh viện tuyến trên.

Công tác khám, chữa bệnh cho người dân huyện Ðại Từ (Thái Nguyên) được bảo đảm nhờ các trạm y tế được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.
Công tác khám, chữa bệnh cho người dân huyện Ðại Từ (Thái Nguyên) được bảo đảm nhờ các trạm y tế được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.

Thực hiện Quyết định số 1125/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020, ngành y tế Thái Nguyên đã tập trung kiện toàn các đơn vị đầu mối trực thuộc Sở Y tế theo hướng giảm các đầu mối và thống nhất trong quản lý. Mặt khác, ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh; ưu tiên triển khai các chương trình, dự án y tế cho các huyện, xã còn khó khăn, năng lực triển khai còn hạn chế, nhận thức của cán bộ, nhân dân chưa đồng đều, công tác truyền thông còn yếu… Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Vy Hồng cho biết: Ðến nay, toàn tỉnh đã giảm số đầu mối trực thuộc Sở Y tế từ 34 đơn vị xuống còn 26 đơn vị. Năm 2019, mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh có quy mô 4.435 giường bệnh (trong đó, các đơn vị tuyến tỉnh 2.780 giường và tuyến huyện 1.655 giường) tăng 1.290 giường, so với năm 2015. Các bệnh viện, các cơ sở y tế không ngừng được đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, đào tạo các kíp kỹ thuật chuyên sâu, triển khai thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến trong khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Ðáng chú ý, nhiều năm qua, các bệnh viện: A Thái Nguyên, C Thái Nguyên, Gang thép… đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện T.Ư như: Phụ sản T.Ư, Nhi T.Ư, Nội tiết T.Ư, Bạch Mai.

Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, an toàn thực phẩm triển khai có hiệu quả, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn trên địa bàn; công tác tiêm chủng thường xuyên được bảo đảm an toàn, sức khỏe người dân nâng lên. Việc quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính được thực hiện ngay tại trạm y tế xã, phường, đã góp phần giảm tần suất người bệnh nhập viện và điều trị, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Cụ thể như, có 113 trong tổng số 180 xã, phường trên địa bàn triển khai quản lý điều trị tăng huyết áp (đạt 62,78%). Tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp được quản lý trên địa bàn tỉnh đạt 76,8%, riêng tại tuyến xã là 48,5%; tỷ lệ người bệnh đạt huyết áp mục tiêu là 57%. Tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được quản lý trên địa bàn đạt 71,4%; tỷ lệ người bệnh điều trị đường huyết đạt 59,5%... Toàn tỉnh cũng có 3.826 người nhiễm HIV/AIDS (trong đó có 119 trẻ em) được điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV)…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn gặp một số tồn tại, khó khăn như: tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, số người mắc các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính…) tiếp tục gia tăng; số người mắc tệ nạn xã hội cao, nhất là nghiện ma túy, mại dâm và nhiễm HIV/AIDS, trong khi các nguồn lực can thiệp còn hạn chế; tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi còn cao… Trong khi đó, tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao ở một số bệnh viện và tuyến xã, bác sĩ bỏ ra làm việc tại khu vực tư nhân chưa được khắc phục…

Để đạt các mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020, ngành Y tế Thái Nguyên tập trung củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đổi mới và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tiếp tục đầu tư xây dựng, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở điều trị; đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút bác sĩ, cán bộ y tế có tay nghề cao cho cả hệ thống y tế, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên ngành y tế. Chủ động xây dựng và phê duyệt các kế hoạch ngắn hạn và trung hạn để thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch mà tỉnh đã đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 và so sánh với mục tiêu, chỉ tiêu của Bộ Y tế và chỉ tiêu của từng dự án. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện tốt kế hoạch một cách hiệu quả và bền vững.