Không lo ngại bùng phát số ca nhiễm mới khi mở lại đường bay quốc tế

NDO -

Đó là nhận định của PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trước việc Việt Nam mở cửa lại đường bay quốc tế với sáu quốc gia, vùng lãnh thổ từ 15-9.

Không lo ngại bùng phát số ca nhiễm mới khi mở lại đường bay quốc tế

Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ những người nhập cảnh mới không lớn

Việt Nam chính thức nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan – Trung Quốc (từ ngày 15-9) và Campuchia, Lào (từ 22-9). 

Các chuyến bay có tần suất không quá hai chuyến/một tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế). 

Nhận định về việc mở cửa đường bay quốc tế, PGS, TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, dịch Covid-19 được dự đoán kéo dài tới 1-2 năm và chúng ta phải chuẩn bị tâm thế để sống chung với dịch. Vì thế, khi tình hình dịch được kiểm soát tốt, Việt Nam mở lại đường bay thương mại quốc tế là việc tất yếu để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

Hiện nay, sáu quốc gia, vùng lãnh thổ này đều là những nước có tình hình dịch đã ổn định, không có nguy cơ cao. 

Mọi hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước 3-5 ngày, nghĩa là họ không mang mầm bệnh lên máy bay. Khi đến Việt Nam, họ chỉ cần làm xét nghiệm hai lần liên tiếp trong vòng 5 ngày nếu kết quả âm tính thì có thể tin tưởng được. 

Thông thường, nếu người nhiễm Covid-19, sau khoảng 3-4 ngày là virus SARS-CoV-2 đã nhân lên ở mức có thể phát hiện bằng xét nghiệm rRT-PCR. Nên khoảng thời gian giữa các lần xét nghiệm trước và sau khi nhập cảnh sẽ đủ bảo đảm tương đối để phát hiện nếu hành khách nhiễm bệnh.

“Giai đoạn này, người vào Việt Nam chủ yếu là các chuyên gia, người đi công tác, chưa có khách du lịch hoặc người Việt Nam đi về có việc, không phải là những chuyến bay giải cứu, hồi hương từ những vùng có dịch. Đây phần lớn là những người khỏe mạnh, có trình độ cao, hiểu biết, có ý thức và kỹ năng phòng chống dịch bệnh tốt”, ông Nga nói. 

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn tạm thời việc giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam”. Theo đó, ngành y tế phối hợp với các ngành giao thông vận tải, các cơ quan quản lý, cửa khẩu, bảo đảm tương đối an toàn cho việc tiếp đón người nhập cảnh vào Việt Nam giai đoạn mới này. 

Những người này khi về Việt Nam đều có quy trình theo dõi, giám sát chặt chẽ từ trước khi lên máy bay, tại các cửa khẩu và cách ly tập trung để xét nghiệm. Sau hai lần xét nghiệm liên tiếp âm tính tại nơi cách ly tập trung, người nhập cảnh có thể cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ những người nhập cảnh ra cộng đồng không lớn.

unnamed_1596324148235-1600743903548.jpg
 PGS, TS Nguyễn Huy Nga.

Việt Nam đủ năng lực để đối phó với tình hình dịch bệnh

PGS, TS Nguyễn Huy Nga khẳng định Việt Nam đã có những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 rất tốt. Vụ dịch bùng phát trở lại tại Đà Nẵng hồi tháng 7-8 vừa qua đã được khống chế thành công. 

“Người dân ý thức cao hơn khi thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn cho bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn... Người cao tuổi – đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất cũng đã nhận thức được việchạn chế đi lại, tránh những nơi tập trung đông người”, PGS Nga nói. 

Ở bệnh viện, nơi  được coi là vị trí xung yếu nhất cũng đã được thắt chặt kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như phân luồng bệnh nhân rất tốt, đặt ở mức cảnh báo cao nhất để sàng lọc các trường hợp nguy cơ. 

Đến nay, các nhà khoa học thế giới và Việt Nam đã nhận diện rõ về độc lực, cơ chế lây nhiễm của virus. Các phác đồ điều trị cũng đã được sửa đổi nhiều lần cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Bộ Y tế đã đưa ra nhiều hướng dẫn chi tiết về cách phòng, chống dịch bệnh trong cơ quan, công sở, trường học, nhà máy, xí nghiệp, đi lại, nơi công cộng...

Năng lực xét nghiệm của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Việt Nam có 137 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật rRT-PCR. Đây là điều kiện để Việt Nam có thể đáp ứng với việc tăng số lượng xét nghiệm trong thời gian tới đây khi mở thêm nhiều đường bay quốc tế với tần suất chuyến tăng lên.  

Theo PGS, TS Nguyễn Huy Nga, tình hình dịch đang có chiều hướng tốt lên, số ca mắc và tử vong ở thế giới đang giảm nhẹ dần. 

Xu hướng chung của các nước Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là dịch bùng lên tháng 7-8 và giờ dịu đi với tỷ lệ nhiễm bệnh thấp và có xu hướng giảm dần những ngày gần đây. Chỉ có khu vực Nam Á vẫn đang là điểm nóng của dịch. Điều đó chứng tỏ virus này đang thích nghi dần với con người.

Mở lại đường bay quốc tế