Không để xảy ra làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 ở Việt Nam

Chiều 4-8, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo.

Theo phân tích của quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và nhiều chuyên gia dịch tễ, giám sát, phân tích dữ liệu và truy vết cho thấy dịch Covid-19 xuất hiện ở Ðà Nẵng vào khoảng đầu tháng 7, hiện phần lớn các ca bệnh đều có liên quan ổ dịch là ba bệnh viện trên địa bàn TP Ðà Nẵng; tại một số địa phương, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện ca bệnh, nhưng cũng đều có yếu tố dịch tễ liên quan Ðà Nẵng… (mới phát hiện sáu ca tại cộng đồng). Kết quả xét nghiệm các mẫu giám sát lấy ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số cơ sở y tế lớn cũng chưa phát hiện các ca mắc Covid-19... Như vậy, chưa có bằng chứng để khẳng định dịch bệnh lây nhiễm mạnh ngoài cộng đồng. Các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương, nhất là TP Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực khoanh vùng, dập dịch.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo và các chuyên gia cho rằng, bên cạnh tập trung khoanh vùng, dập dịch, cần thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, các tổ chức và toàn xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, những việc làm cần thiết… vẫn diễn ra, nhưng phải trong điều kiện mới, cách làm mới để bảo đảm an toàn. Các lực lượng chức năng cần phát hiện thật nhanh, khoanh thật sớm các ổ dịch ở quy mô nhỏ nhất để xử lý kịp thời; các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng vì các ca bệnh chỉ dẫn ban đầu đều được phát hiện tại cơ sở y tế; người dân phải thực hiện các biện pháp phòng dịch; thực hiện nghiêm, triệt để quy định phòng dịch đối với người đến khám bệnh, trong bệnh viện, nhất là đối với người cao tuổi, người có bệnh nền.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng, tình hình dịch Covid-19 ở Ðà Nẵng là lời cảnh báo đối với cả nước trong việc nâng cao tinh thần cảnh giác, cũng như lập lại kỷ cương trong phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, một mặt phải tập trung dập dịch nhanh nhất có thể, mặt khác phải siết chặt lại kỷ cương, "lên dây cót" cả hệ thống, trước hết trong ngành y tế. Bộ Y tế rà soát toàn bộ các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch; các địa phương phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát… Nếu thực hiện tốt, chúng ta hoàn toàn tin tưởng sẽ sớm dập được dịch Covid-19, giúp người dân có cuộc sống, sản xuất, kinh doanh bình thường mới…, quyết tâm không để xảy ra làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở nước ta.

Cũng tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn về nội dung dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới; công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc phục vụ phòng, chống dịch…

* Chiều 4-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 thông báo xác nhận 28 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 23 ca tại Ðà Nẵng, ba ca ở Quảng Nam, một ca ở Ðồng Nai và một ca trở về từ Ghi-nê Xích đạo. Tính đến 18 giờ ngày 4-8, cả nước có 670 người nhiễm Covid-19, trong đó 308 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay; số lượng ca mắc mới liên quan tới Ðà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 222 ca. Theo báo cáo của Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), trong ngày 4-8 có bốn người bệnh được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (người bệnh thứ 398, 399, 400 và 401); số ca âm tính lần một với SARS-CoV-2 là 18 người và có 13 người đã âm tính lần hai trở lên với SARS-CoV-2.

* Chiều cùng ngày, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19, Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) tiến hành phiên hội chẩn thứ bảy về tình hình điều trị cho người bệnh Covid-19. Các chuyên gia của Hội đồng hội chẩn đã đưa ra khuyến cáo cho từng người bệnh nặng; đề nghị Bệnh viện Ðà Nẵng bảo đảm an toàn tuyệt đối khi chuyển các bệnh nhân nặng, bệnh nhân chạy thận nhân tạo đến các bệnh viện được chỉ định; Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam thực hiện quy trình điều trị theo phác đồ mới được Bộ Y tế ban hành; Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 theo dõi, điều trị, chăm sóc, hạn chế tử vong cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại bệnh viện.

* Trong ngày 4-8, có thêm hai người bệnh Covid-19 chết (người bệnh 426, nữ, 62 tuổi và người bệnh 496, nam, 65 tuổi, đều ở Hòa Vang, Ðà Nẵng).

* Sáng 4-8, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Ðà Nẵng kiểm tra công tác sẵn sàng điều trị và thu dung người bệnh tại Bệnh viện Quân y 17, Cục Hậu cần, Quân khu V. Thứ trưởng Y tế đề nghị cán bộ, chiến sĩ của bệnh viện sẵn sàng ở mức cao nhất để khi có yêu cầu từ ngành y tế sẽ đưa bệnh viện vào trạng thái hoạt động tốt nhất. Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện về nhân lực và trang thiết bị khi có yêu cầu. Bệnh viện Quân y 17 hiện có 200 giường bệnh, là bệnh viện tuyến một và sẵn sàng trở thành bệnh viện dã chiến số 3 khi có lệnh.

* Chiều 4-8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có văn bản giao ba đơn vị: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trường đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ ngành y tế Hà Nội xét nghiệm Covid-19. Trước mắt tập trung xét nghiệm Covid-19 cho người đi về từ Ðà Nẵng và các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

* Ngày 4-8, Sở Y tế TP Ðà Nẵng thông báo bốn cơ sở đã được cơ quan chức năng xác định, cấp phép đủ năng lực xét nghiệm khẳng định Covid-19, gồm: Bệnh viện Ðà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Ðà Nẵng.

* Ngày 4-8, Sở Y tế Hà Nội phát đi thông báo khẩn đề nghị tất cả các hành khách từ Ðà Nẵng ra Hà Nội đi trên xe ô-tô biển kiểm soát 43B-03126 (hãng xe Kim Chi) xuất phát từ Ðà Nẵng vào lúc 20 giờ ngày 27-7, đến Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) lúc 8 giờ 30 phút ngày 28-7, liên hệ ngay trạm y tế xã, phường tại nơi cư trú để được giám sát và theo dõi sức khỏe. Trước đó, ngày 2-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo người bệnh thứ 620 (nữ, 44 tuổi, ở Phủ Lý, Hà Nam) mắc Covid-19 có đi trên chuyến xe nêu trên.

* Cùng ngày, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận có bốn người từ Ðà Nẵng về địa phương có biểu hiện sốt, ho đã nhập viện, điều trị cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

* TP Hải Phòng quyết định cử đoàn cán bộ y tế gồm tám bác sĩ và 25 điều dưỡng viên vào tăng cường, hỗ trợ công tác chống dịch tại Ðà Nẵng ngay trong tuần này; đồng thời sẽ trao tặng TP Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam mỗi địa phương 200 nghìn khẩu trang y tế và năm tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

* Ngày 4-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết, 140 công dân Việt Nam từ Ca-na-đa về nước được cách ly tại Trường Quân sự tỉnh vào đêm 3-8, thực hiện quy định nghiêm túc, sức khỏe ổn định.

* Sở Giáo dục và Ðào tạo An Giang ban hành công văn yêu cầu trưởng phòng giáo dục và đào tạo, thủ trưởng các cơ sở giáo dục trong tỉnh tạm ngừng các hoạt động tập trung học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp du lịch lữ hành khẩn trương rà soát và báo cáo đầy đủ danh sách các đoàn khách do đơn vị tổ chức tua tham quan du lịch từ vùng có dịch trở về An Giang; báo cáo đầy đủ danh sách các đoàn khách đến hoặc đi, trở về từ vùng có dịch đã và đang lưu trú tại cơ sở để kịp thời phối hợp khai báo y tế, theo dõi sức khỏe.

* Cùng ngày, Câu lạc bộ Hoa lan đột biến sông Hàn trao tặng Bệnh viện Ðà Nẵng năm máy thở Puritan Bennett trị giá 2,75 tỷ đồng.

Ngày 4-8, Bộ trưởng Y tế có công điện yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ sở giáo dục và đào tạo triển khai một số biện pháp bảo đảm an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, các địa phương phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế, phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ thi trên địa bàn; bố trí nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất và chỉ định các cơ sở y tế tham gia thực hiện công tác chuyên môn y tế... Phối hợp, hướng dẫn bảo đảm vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị phòng cách ly y tế tạm thời tại các địa điểm thi; bố trí kíp trực y tế tại các địa điểm thi để kịp thời sơ cấp cứu và xử lý các trường hợp sốt, ho, khó thở; phối hợp theo dõi sức khỏe học sinh và xử lý kịp thời khi học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Trong trường hợp các tỉnh, thành phố có tổ chức thi cho học sinh có tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) thì bảo đảm tất cả những người tham gia tổ chức thi phải mặc trang phục bảo hộ theo quy định và triển khai các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chéo trong quá trình tổ chức thi…