Ðiều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 vừa thực hiện thành công phương pháp mới trong điều trị ung thư gan. Ba người bệnh đầu tiên được điều trị bằng kỹ thuật mới đạt kết quả khả quan và ra viện trong tình trạng sức khỏe tốt, không có các tai biến, biến chứng trong hay sau quá trình tiến hành kỹ thuật.

Các bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) bơm hạt vi cầu phóng xạ Y-90 để điều trị bệnh ung thư gan.
Các bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) bơm hạt vi cầu phóng xạ Y-90 để điều trị bệnh ung thư gan.

Theo GS, TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan. Tùy theo từng giai đoạn, tình trạng của người bệnh ung thư gan nguyên phát hay thứ phát... mà chúng ta có thể lựa chọn từng phương pháp điều trị hoặc phối hợp chúng với nhau. Thông thường, 90% lượng máu nuôi các khối ung thư gan là được cấp từ động mạch gan. Trong khi tổ chức gan lành chỉ có 10% từ động mạch gan.

Với kỹ thuật mới, bác sĩ đặt một Catheter qua động mạch đùi vào động mạch gan, chọn nhánh động mạch nuôi khối u gan. Sau đó bơm hạt vi cầu phóng xạ Y-90 trong dung dịch Natriclorua 0,9% vào động mạch nuôi u gan theo liều lượng đã tính. Các hạt vi cầu phóng xạ Y-90 đó phát tia be-ta với quãng chạy trong tổ chức khối u rất ngắn để diệt tế bào ung thư. Như vậy nhờ các vi cầu phóng xạ được đưa trực tiếp và chọn lọc vào trong lòng khối ung thư gan, cho nên chúng bị nhận liều bức xạ cao nhất nhưng lại giảm ở mức thấp nhất tại các cơ quan lân cận chung quanh khối u. Vì vậy hiệu quả tiêu diệt khối u cao, chọn lọc và các tế bào lành chung quanh được bảo vệ. Ðây là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, tăng thời gian sống thêm, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư gan. Kỹ thuật mới này được chỉ định điều trị cả ung thư gan nguyên phát, thứ phát, hoặc không còn chỉ định phẫu thuật.

GS, TS Mai Trọng Khoa đánh giá, đây là kỹ thuật khó, hiện chỉ có một số nước tiến hành được do phải phối hợp nhiều chuyên khoa khác nhau. Ðòi hỏi các bác sĩ chuyên ngành ung bướu, y học hạt nhân, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh... cần có sự phối hợp chặt chẽ để giúp cho quá trình chẩn đoán và nhất là quá trình điều trị đạt hiệu quả cao. Ðồng thời cần có nhiều thiết bị hiện đại như máy SPECT, PET/CT, máy chụp mạch...