Hơn 100 nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam bàn về bệnh Whitmore

NDO -

NDĐT- Sáng 16-10, tại Hà Nội, hội thảo Khoa học bệnh Whitmore toàn cầu lần thứ chín được khai mạc với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học đến từ 26 quốc gia. Hội thảo do Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Viện Vệ sinh, Vi sinh và Môi trường Y học (Đại học Y khoa Graz - Áo) đăng cai tổ chức.

GS Joost Wiersinga từ Academic Medical Center, Amsterdam, Netherlands, đưa ra bản đồ về tần suất bệnh Whitmore trên toàn cầu
GS Joost Wiersinga từ Academic Medical Center, Amsterdam, Netherlands, đưa ra bản đồ về tần suất bệnh Whitmore trên toàn cầu

Whitmore (có tên gọi quốc tế là Melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh có thể tiến triển cấp tính với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và không được điều trị kháng sinh kịp thời. Whitmore có dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng đa dạng, khó phát hiện nên thường bị chuẩn đoán nhầm thành lao phổi, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư lách, u tiền liệt tuyến, quai bị ...

Bệnh Whitmore được chẩn đoán từ những năm đầu thế kỷ 19, sau thời gian bị “lãng quên” thì gần đây, sự xuất hiện của những ca bệnh mới nổi đã gây sự chú ý của các nhà khoa học. Theo TS Trịnh Thành Trung - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học, cho biết, một trong những lý do thiếu thông tin ở các bệnh viện tuyến dưới là bác sĩ lâm sàng chưa biết nhiều về bệnh và chưa cảnh giác xét nghiệm chẩn đoán bệnh, các cán bộ xét nghiệm vi sinh cận lâm sàng chưa có quy trình xét nghiệm bệnh và cũng chưa chú ý đến xét nghiệm bệnh. “Chính vì vậy, Whitmore là một bệnh truyền nhiễm đang bị bỏ quên tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS,TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết tại Việt Nam, thời gian qua đã có 1.000 ca được chẩn đoán, cứu chữa kịp thời bởi các nhà vi sinh học, bác sĩ điều trị, chuyên gia xét nghiệm…cho thấy, kỹ thuật chẩn đoán của Việt Nam tiếp cận được với thế giới. Tuy nhiên, các nghiên cứu vi sinh, lâm sàng về Whitmore cần được các nhà khoa học tiếp tục quan tâm nghiên cứu, chia sẻ để có thể chẩn đoán chính xác kịp thời tất cả các ca bệnh, cứu chữa cho bệnh nhân Whitmore.

Trong hai ngày diễn ra hội thảo, từ 16 đến 18-10, theo ban tổ chức, có 65 bài báo cáo trình bày tại 11 phiên họp và 103 bài báo cáo poster thông tin về bệnh Whitmore của hơn 100 nhà khoa học trên thế giới. Đây cũng là hội thảo khoa học lớn toàn cầu về các nghiên cứu bệnh Whitmore, được tổ chức thường kỳ ba năm một lần, thu hút các nhà khoa học đầu ngành trên thế giới tham dự và trình bày các kết quả nghiên cứu tiêu biểu và nổi bật nhất về bệnh Whitmore trong vòng ba năm qua.