Hiệu quả tuyến bệnh viện vệ tinh ở Thái Nguyên

Là trung tâm khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, những năm gần đây, ba bệnh viện của tỉnh Thái Nguyên thực hiện có hiệu quả vai trò là bệnh viện vệ tinh của năm bệnh viện tuyến trung ương và Bệnh viện Tim Hà Nội. Qua đó, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên rõ rệt, góp phần tích cực giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Chăm sóc trẻ thiếu tháng, nhẹ cân tại Bệnh viện A Thái Nguyên.
Chăm sóc trẻ thiếu tháng, nhẹ cân tại Bệnh viện A Thái Nguyên.

Cách đây hơn bốn năm, Sở Y tế Thái Nguyên tham mưu cho tỉnh ban hành Ðề án Phát triển y tế chuyên sâu. Một trong những giải pháp là lựa chọn ba bệnh viện tuyến tỉnh là: A Thái Nguyên, C Thái Nguyên và Gang thép Thái Nguyên là bệnh viện vệ tinh của năm bệnh viện tuyến trung ương (T.Ư) và Bệnh viện Tim Hà Nội. Qua đó, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế được đào tạo, chuyển giao nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư khá đồng bộ.

Ðược chọn là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản T.Ư, đến nay, Bệnh viện A Thái Nguyên có 42 bác sĩ (BS), nhân viên y tế được đào tạo, chuyển giao, thực hiện tốt 20 kỹ thuật chuyên sâu về sản, phụ khoa. Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, BS Chuyên khoa II Hà Hải Bằng cho biết: Bệnh viện Phụ sản T.Ư đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về sản, phụ khoa cho chúng tôi một cách bài bản, khoa học. Ban đầu, các BS, nhân viên y tế được học lý thuyết, sau đó được hướng dẫn thực hành, giám sát thực hiện thuần thục các kỹ thuật được chuyển giao, đạt kết quả tốt mới thôi. Trong tổng số các kỹ thuật được chuyển giao, nổi bật nhất là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho những cặp vợ chồng hiếm muộn được Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện có kết quả rất tốt (bệnh viện đầu tiên ở các tỉnh miền núi phía bắc thực hiện kỹ thuật này) với tỷ lệ thành công tới 55%, đây là tỷ lệ cao so với các trung tâm hỗ trợ sinh sản trong cả nước. Bên cạnh đó, Bệnh viện A Thái Nguyên còn được chọn là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi T.Ư và đến nay đã được chuyển giao hàng chục kỹ thuật y tế chuyên sâu về nhi khoa, nhờ đó đã cứu sống nhiều trường hợp sinh non tháng, nhẹ cân. Thời gian vừa qua, Bệnh viện A Thái Nguyên được tỉnh đầu tư hơn 65 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại để thực hiện các kỹ thuật được chuyển giao.

Tương tự, là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nội tiết T.Ư, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên được đầu tư mười tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp Khoa Xét nghiệm, một số thiết bị y tế, nhất là hầu hết đội ngũ y sĩ, BS tham gia tổng số 45 khóa đào tạo, hướng dẫn, nhận chuyển giao khoảng 20 kỹ thuật chuyên sâu và thực hiện đạt kết quả tốt, như: điều trị nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch; thở máy ở bệnh nhân nhiễm khuẩn hô hấp; nuôi cấy và định danh vi khuẩn, mổ mở tuyến giáp... Sau khi được chọn là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện C Thái Nguyên được chuyển giao gần 30 kỹ thuật, chuyên khoa sâu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tim mạch, trong đó nhiều kỹ thuật đã được thực hiện hiệu quả như can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, gây mê trong phẫu thuật tim mạch... Ðây là những kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao mà trước đây bệnh viện chưa thực hiện được. Cùng với đó, bệnh viện được đầu tư 27 thiết bị y tế, trong đó có những thiết bị trị giá gần 40 tỷ đồng; được đầu tư phòng mổ tim hiện đại, cải tạo, sửa chữa khu can thiệp tim mạch, nhà điều trị.

Ðến nay, có gần 600 em bé được ra đời và gần 1.000 bà mẹ đang mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm do Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện. Ðiều này góp phần quan trọng giải quyết tình trạng vô sinh hiếm muộn đang có xu hướng gia tăng, giảm chi phí, thời gian đi lại cho các cặp vợ chồng hiếm muộn không phải về Hà Nội để điều trị, mang lại hạnh phúc cho rất nhiều gia đình. Mặt khác, khi trở thành bệnh viện vệ tinh của bệnh viện T.Ư, trình độ chuyên môn, tinh thần phục vụ của BS, đội ngũ cán bộ được nâng lên, qua đó đã điều trị thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Cuối tháng 9- 2019, bé Võ Thiên Trường là con đầu lòng của vợ chồng anh Võ Trung Hiếu và chị Ðào Thị Hạnh, cư trú ở tổ 11, phường Thịnh Ðán, TP Thái Nguyên sinh non với 27 tuần tuổi (gần bảy tháng tuổi), cân nặng chỉ 0,9 kg, các cơ quan nội tạng chưa trưởng thành, nhất là phổi chưa hoàn thiện, bị suy hô hấp, không tự thở được phải thở máy, phải bơm thuốc trưởng thành phổi, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, điều trị vàng da. Với trình độ chuyên môn của đội ngũ BS, sử dụng những thiết bị y tế hiện đại và sự tận tụy của hộ lý, nhân viên y tế, bé Trường đã được cứu sống, sau gần một tháng điều trị và nuôi dưỡng, bé Trường đã tăng lên 1,3 kg, cơ thể phát triển tốt.

Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên đã cấp cứu thành công một số trường hợp ngừng tuần hoàn ngoại viện, người bệnh trở về cuộc sống và tiếp tục công tác. Bà Nguyễn Thị Biền ở phường Trung Thành, TP Thái Nguyên bị bệnh tiểu đường, điều trị thường xuyên ở Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên chia sẻ: Hằng tháng, tôi đến Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên khám, lấy thuốc định kỳ, được BS tận tình thăm khám, tư vấn, tinh thần, thái độ phục vụ khác hẳn so với mấy năm trước. Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên Nguyễn Duy Hưng cho biết: Trước đây, bình quân mỗi tháng chúng tôi phải chuyển gần 100 người bệnh tim mạch lên tuyến trên, nhưng từ khi được chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu, bệnh viện đã cơ bản giải quyết được tình trạng này, những trường hợp bị bệnh nặng, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp mới phải chuyển đi.

Tuy nhiên, để các bệnh viện vệ tinh trên địa bàn phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương cần bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật đã được chuyển giao. Mặt khác, các bệnh viện hạt nhân bố trí thời gian phù hợp trong chuyển giao kỹ thuật và tiếp tục chuyển giao những kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân không chỉ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.