Hải Dương chuyển sang trạng thái mới về phòng, chống dịch Covid-19

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày 2-3 ghi nhận có 11 ca mắc mới Covid-19 (người bệnh thứ 2.462 đến 2.472) đều tại Hải Dương.

Cả 11 ca mắc mới này đều đã được cách ly từ ngày 28-2 (bảy ca) và ngày 1- 3 (bốn ca), trong đó có 10 ca tại xã Kim Ðính và một ca tại xã Ngũ Phúc, đều thuộc huyện Kim Thành. Hiện cả 11 người bệnh đều được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 (Trường đại học Sao Ðỏ cơ sở 2). Trong ngày cũng có sáu người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh (người bệnh 1.217, 1.218, 1.219, 1.220, 1.394, 1.520).

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trưa 2-3 ghi nhận một ca tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi ra viện. Trường hợp tái dương tính là người bệnh 1.958 (ở ngõ 86 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy). Ca bệnh 1.958 được ra viện và tiếp tục cách ly tại nhà ngày 27-2. Ngày 1- 3 được lấy mẫu sau ra viện lần 1 và có kết quả dương tính.

Ngày 2-3, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 679/QÐ-UBND kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đối với toàn tỉnh Hải Dương; gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Toàn tỉnh Hải Dương chuyển sang trạng thái mới về phòng, chống dịch Covid-19, theo đó, bốn đơn vị cấp huyện gồm TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và huyện Kim Thành cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 cho tới ngày 17-3. Tám đơn vị cấp huyện còn lại: Bình Giang, Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Miện và TP Chí Linh cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ cho tới khi dập dịch hoàn toàn. Các xã, thôn, khu, điểm dân cư đang thực hiện quyết định phong tỏa thì tiếp tục thực hiện cho tới khi có quyết định kết thúc phong tỏa.

Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện quyết định thành lập "Ðội xử lý tình trạng khẩn cấp về y tế" do Chủ tịch UBND huyện làm đội trưởng; thành viên gồm đại diện lãnh đạo và cán bộ thuộc các phòng, cơ quan, đơn vị cấp huyện gồm công an, quân đội và y tế... Việc thành lập Ðội xử lý tình trạng khẩn cấp về y tế cấp huyện nhằm chủ động, kịp thời xử lý tình huống phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 sau khi Hải Dương gỡ bỏ cách ly y tế toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 3-3. Ðội có nhiệm vụ thực hiện kịp thời công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm; chủ động tham mưu cho UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ngày 2-3, đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên. Qua kiểm tra một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở Khu công nghiệp Thăng Long II và Khu công nghiệp dệt may Phố Nối, đoàn công tác đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác phòng, chống dịch, như: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chưa bảo đảm đủ cơ cấu thành phần; cán bộ y tế chưa được tập huấn phòng, chống dịch, việc kiểm tra thân nhiệt chưa đúng quy định… Ðoàn công tác đề nghị tỉnh xây dựng phương án phòng, chống dịch hiệu quả trong khu công nghiệp, tổ chức tập huấn phòng, chống dịch cho cán bộ y tế của doanh nghiệp… thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Ngày 2-3, UBND tỉnh Kon Tum ra văn bản tạm dừng hoạt động các chốt kiểm tra, tổ liên ngành kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ 17 giờ cùng ngày. Tổ trưởng tổ liên ngành tại các chốt kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị, cá nhân có liên quan thu hồi trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế phục vụ cho các chốt; bảo quản thiết bị để tiếp tục sử dụng cho công tác chuyên môn và phục vụ lại các chốt (khi cần thiết); tổng dọn vệ sinh trước khi rời khỏi chốt.

Những điều cần biết về vắc-xin Covid-19

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra khuyến cáo tạm thời về việc sử dụng vắc-xin Covid-19 của Oxford/AstraZeneca Covid-19 (AZD1222). Theo WHO, trong khi nguồn cung ứng vắc-xin còn hạn chế, khuyến cáo đưa ra là cần ưu tiên tiêm phòng cho cán bộ y tế là những người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh và người cao tuổi, bao gồm những người từ 65 tuổi trở lên.

Ngoài ra, theo khuyến cáo vắc-xin phòng Covid-19 được dành tiêm cho những người có bệnh lý nền do họ được xác định là có nguy cơ mắc Covid-19 nặng hơn, trong đó có các bệnh như béo phì, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và đái tháo đường. Mặc dù cần phải tiến hành thêm nghiên cứu trên những người đang chung sống với HIV hoặc mắc bệnh tự miễn hoặc những người bị suy giảm miễn dịch, những người này, nếu nằm trong các nhóm được khuyến cáo tiêm vắc-xin, có thể được tiêm phòng sau khi được cung cấp thông tin và tư vấn.

Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có thể được dành cho những người đã từng mắc Covid-19. Nhưng những cá nhân này có thể hoãn việc tiêm khoảng sáu tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 để trao cơ hội cho những người khác cần gấp hơn. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có thể được dành cho phụ nữ đang cho con bú nếu họ thuộc nhóm ưu tiên được tiêm. WHO không khuyến cáo ngừng cho con bú mẹ sau tiêm phòng Covid-19. Phụ nữ mang thai có thể được tiêm phòng vắc-xin nếu lợi ích của việc tiêm phòng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vắc-xin.

Những người khuyến cáo không tiêm vắc-xin này gồm: người có tiền sử có phản ứng dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin thì không nên tiêm; vắc-xin này không khuyến cáo dùng cho người dưới 18 tuổi nhưng còn phải chờ kết quả của các nghiên cứu tiếp theo.

Theo khuyến nghị của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược, WHO đã duyệt đưa hai phiên bản vắc-xin AstraZeneca/Oxford Covid-19 vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào ngày 15-2-2021, cho phép vắc-xin này được triển khai trên toàn cầu thông qua cơ chế COVAX. Vắc-xin này do AstraZeneca-SK Bioscience (Hàn Quốc) và Viện Huyết thanh của Ấn Ðộ sản xuất. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã phê duyệt có điều kiện đối với vắc-xin này để sử dụng khẩn cấp trong phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 1-2-2021. Vắc-xin AZD1222 phòng, chống Covid-19 có hiệu lực 63,09% trên những người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng. Khoảng cách giữa các liều dài hơn trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 tuần có liên quan hiệu quả vắc-xin cao hơn. Hiện tại nhóm chuyên gia này khuyến cáo sử dụng vắc-xin AZD1222 theo lộ trình ưu tiên của WHO, thậm chí ngay cả khi các biến thể của vi-rút đã xuất hiện ở quốc gia đó. Các nước cần đánh giá rủi ro và lợi ích và cân nhắc tình hình dịch tễ trong nước…

Bộ trưởng Y tế vừa có Quyết định truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho chị Vũ Thị Tình, cán bộ Trạm Y tế xã Văn Tố (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) bị tai nạn qua đời sau khi làm nhiệm vụ trực chốt chống dịch Covid-19. Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 25-2, sau khi hết ca trực tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 (chốt Lâm Ðồng, xã Văn Tố), trên đường trở về nhà ở thôn Tất Thượng, xã Cộng Lạc, chị Vũ Thị Tình không may bị tai nạn giao thông và không qua khỏi.