Giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết, bạch hầu

Bộ Y tế dự báo từ nay đến cuối năm dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), bạch hầu tiếp tục gia tăng, bùng phát tại cộng đồng. Để chủ động phòng, chống, Bộ Y tế đề nghị chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp ngành y tế tập trung giám sát, xử lý triệt để các 
ổ dịch bệnh tại địa phương mình phụ trách.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em ở thị trấn Đăk Đoa (Gia Lai).
Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em ở thị trấn Đăk Đoa (Gia Lai).

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 70 nghìn trường hợp mắc SXH, trong đó có bảy người chết tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bình Ðịnh, Tây Ninh, Bình Phước. So với cùng kỳ năm 2019, số người mắc giảm 64,8%, số người chết giảm 33 trường hợp. Riêng ba tuần trở lại đây, số mắc có xu hướng tăng cao và tăng nhanh, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh phía nam và miền trung. Ðối với bệnh bạch hầu, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 198 trường hợp dương tính (138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng) tập trung tại khu vực Tây Nguyên, miền trung và miền nam. Riêng khu vực Tây Nguyên có 172 trường hợp, trong đó có bốn người chết tại các tỉnh Ðắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc tăng 157 trường hợp, số chết tăng một trường hợp…

Cục trưởng Y tế dự phòng, TS Ðặng Quang Tấn đánh giá, so với mọi năm, dịch SXH năm nay không có sự bất thường; tuýp lưu hành chủ yếu vẫn là D1, D2 (chiếm 90%). Tỷ lệ nhóm tuổi mắc SXH tại khu vực phía bắc, miền trung, Tây Nguyên, số mắc chủ yếu ở người lớn; song tại khu vực phía nam, tỷ lệ mắc có xu hướng tăng dần ở nhóm hơn 15 tuổi. Ðáng chú ý, kết quả kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại các địa phương do Bộ Y tế thực hiện cho thấy: Nguyên nhân gia tăng SXH do sự chủ quan, chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng; các chiến dịch diệt bọ gậy vẫn còn mang tính hình thức, nhất là không duy trì được lâu dài, bền vững. Tại không ít địa phương, kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế, liên tục bị cắt giảm, hoặc cấp muộn và định mức chi cho công phun hóa chất rất thấp; phương tiện xử lý dịch như máy phun, hóa chất, vật tư còn thiếu so với nhu cầu thực tế; chế tài xử phạt chưa được áp dụng…

Ðối với bệnh bạch hầu, nguyên nhân do các xã có ổ dịch chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vắc-xin. Tại một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm, nhất là nhiều trường hợp mắc bệnh ở nhóm tuổi lớn, ở thời điểm chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được triển khai đầy đủ, còn có xã trắng về tiêm chủng. Trong khi đó, vắc-xin giải độc tố bạch hầu chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố, không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắc-xin; đầu tư cho công tác phòng, chống dịch từ nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, hoặc cấp muộn, không bảo đảm đủ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh tại
cộng đồng...

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch, lồng ghép trong phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, sở y tế các địa phương; các đơn vị y tế đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; đồng thời tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết; tổ chức tốt việc thu dung điều trị người bệnh, lưu ý đối với các người bệnh nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp chết. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo để phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục ngay từ đầu năm học; phát hiện kịp thời trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, để thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị, xử lý ổ dịch kịp thời…

PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống bệnh bạch hầu bằng việc tổ chức, hướng dẫn triển khai các chiến dịch tiêm vắc-xin. Các địa phương thống kê đối tượng tiêm chủng, bảo đảm không để sót đối tượng và sót mũi tiêm, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khu vực đi lại khó khăn. Hỗ trợ các đơn vị điều trị tuyến tỉnh tổ chức thu dung, cách ly, điều trị người bệnh, phân tuyến điều trị; cung cấp đầy đủ, kịp thời vắc-xin và vật tư tiêm chủng cho công tác tiêm chủng mở rộng, kiểm tra, giám sát việc cấp phát, bảo quản, vận chuyển vắc-xin theo đúng quy định. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực công tác tiêm chủng cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện, nhất là tại khu vực có dịch; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền với ngôn ngữ phù hợp tại từng địa phương về các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu và các nội dung khuyến cáo ngành y tế đưa ra…