Giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh

NDO -

NDĐT - Ngày 12-11, tại Hà Nội, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo quốc tế Thực hiện giải pháp toàn cầu về an toàn người bệnh. Đây là dịp để các cơ sở y tế trao đổi học thuật nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm thiểu sự cố y khoa trong các cơ sở y tế để bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Hội thảo đã thu hút hơn 400 chuyên gia tham dự.
Hội thảo đã thu hút hơn 400 chuyên gia tham dự.

An toàn người bệnh (ATNB) là sự quan tâm của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế, người dân và xã hội. Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Y tế toàn cầu năm 2016 tại London, Vương quốc Anh đã khởi xướng phát động mục tiêu ATNB; tiếp theo là lần thứ hai tại Đức năm 2017, lần thứ ba tại Nhật Bản năm 2018. ATNB được đưa lên thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu, đã đệ trình và thông qua Đại hội đồng y tế thế giới tổ chức vào tháng 5-2017 tại Geneva, chính thức lấy ngày 17-9 hằng năm là ngày ”ATNB thế giới”, bắt đầu từ năm nay 2019.

Công tác bảo đảm ATNB được Bộ Y tế sớm quan tâm và tập trung chỉ đạo mạnh mẽ trong suốt thời gian qua. Bộ Y tế đã tham mưu cho Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định các điều kiện bảo đảm ATNB như: Các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (quy định về Cấp cứu; Chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị và kê đơn thuốc; Hội chẩn; Điều trị ngoại trú; Điều trị nội trú; Hồ sơ bệnh án; Sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú; Thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa; Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Xử lý chất thải y tế; Giải quyết đối với người bệnh không có người nhận; Giải quyết đối với người bệnh tử vong; Bắt buộc chữa bệnh; Trực khám bệnh, chữa bệnh,…); Quy định về áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về sai sót chuyên môn kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng, hướng dẫn và quy định các bệnh viện cần nghiêm túc triển khai thực hiện: Tăng cường hệ thống chính sách, văn bản pháp quy về ATNB; Bảo đảm thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm ATNB và nhân viên y tế; Thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa (Thông tư số 43/2018/TT-BYT ngày 26-12-2018 của Bộ trưởng Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh)… Theo đó, các chuyên gia đã đưa ra sáu giải pháp chính về bảo đảm an toàn cho người bệnh, đó là: Xác định chính xác người bệnh; bảo đảm giao tiếp hiệu quả; bảo đảm an toàn sử dụng thuốc; bảo đảm an toàn phẫu thuật: Phẫu thuật đúng vị trí, đúng phương pháp và đúng người bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; giảm nguy cơ và hậu quả do ngã.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh, “Bảo đảm ATNB và bảo đảm an toàn phẫu thuật là mục tiêu sống còn của hệ thống y tế Việt Nam khi lấy người bệnh làm trung tâm. Việc triển khai các thông tư và hướng dẫn trên sẽ góp phần bảo đảm sự an toàn cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế và bảo đảm an toàn khi tham gia phẫu thuật. Đây là những nội dung quan trọng đòi hỏi các cán bộ y tế phải quan tâm hàng đầu để bảo đảm an toàn, đáp ứng sự hài lòng cho người bệnh”.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe nhiều bài trình bày của các chuyên gia quốc tế về an toàn phẫu thuật và ATNB, đồng thời tiến hành hỏi đáp về các nội dung của hội thảo.

Đáng chú ý, hội thảo đã nhận được 176 poster báo cáo của các bệnh viện về thực hiện các giải pháp bảo đảm ATNB. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 14 poster có chất lượng để trao giải nhằm khuyến khích các bệnh viện tham gia tích cực vào nhiệm vụ bảo đảm ATNB, nhiệm vụ “sống còn” của mỗi cơ sở y tế.