Cứu sống bệnh nhân đột quỵ chỉ còn 10% cơ hội sống sót

NDO -

NDĐT – Đau đầu tăng dần trong một tháng qua, một nữ bệnh nhân bất ngờ bị rơi vào hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn. Trước cơ hội sống chỉ khoảng 10%, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã chạy đua với thời gian để cứu sống nữ bệnh nhân.

Bệnh nhân đã được hỗ trợ viện phí và được các bác sĩ cứu chữa kịp thời.
Bệnh nhân đã được hỗ trợ viện phí và được các bác sĩ cứu chữa kịp thời.

Khoảng 13 giờ ngày 13-11, bệnh nhân NTH (32 tuổi, tại Hải An, Hải Phòng) tới khám bệnh tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Khi vừa tới cửa Khoa Cấp cứu, chưa kịp vào khám bệnh, người bệnh đột ngột có biểu hiện đau đầu dữ dội và ngừng tuần hoàn. Theo gia đình chị H, bệnh nhân đã đau đầu gần một tháng qua và đau ngày một tăng, không đáp ứng với thuốc giảm đau.

Sau khi hồi sinh tim phổi được khoảng ba phút, người bệnh có tuần hoàn tự nhiên trở lại, bệnh nhân được tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc co mạch, trợ tim, truyền dịch và bồi phụ điện giải. Sau cú ngừng tuần hoàn, tình trạng của người bệnh rất xấu, hôn mê sâu, đồng tử hai bên chưa giãn nhưng phản xạ với ánh sáng rất kém, huyết động còn ổn định, không có dấu hiệu liệt nửa người.

Dựa vào các triệu chứng đau đầu dữ dội, bệnh diễn biến nhanh và nặng nề khiến người bệnh ngừng tuần hoàn, dựa vào hình ảnh chảy máu dưới nhện trên phim CT scan sọ não, bác sĩ trực đã định hướng ngay đến nguyên nhân có thể là do vỡ túi phình động mạch não. Kết quả phim MSCT scan cho thấy hình ảnh túi phình ở đoạn tận động mạch cảnh trong trái đã vỡ. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đột quỵ chảy máu dưới nhện dẫn tới ngừng tuần hoàn.

BS Lương Quốc Chính, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mặc dù chỉ chiếm 1% tất cả các trường hợp đau đầu, nhưng đau đầu gây ra bởi đột quỵ chảy máu dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não lại là một trong những tình trạng có tỷ lệ tử vong hàng đầu, chiếm tới 27 – 44%.

Trong trường hợp này, ngoài biến cố chảy máu dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não, bệnh nhân còn gặp phải biến chứng ngừng tuần hoàn đã làm cho tình trạng bệnh đã nặng lại càng nặng nề hơn, khả năng sống sót là rất thấp. Tỷ lệ sống sót đối với ngừng tuần hoàn xảy ra bên ngoài bệnh viện là dưới 10% và đối với ngừng tuần hoàn xảy ra trong bệnh viện là dưới 20%.

Lúc này, tính mạng bệnh nhân ngàn cân treo sợi tóc. BS Chính cho hay, đối với những trường hợp tổn thương não nặng được xác định bằng điểm hôn mê Glasgow ≤ 8, đặc biệt là do chấn thương sọ não, thường có tiên lượng rất nặng, phẫu thuật có thể không hiệu quả, thậm chí bệnh nhân có thể bị đẩy vào tình trạng nặng nề hơn. Bệnh nhân cần được hồi sức tích cực trước, khi tình trạng ý thức cải thiện hơn thì mới xét tới phẫu thuật.

Tuy nhiên, đối với chảy máu dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não, việc điều trị túi phình vỡ càng sớm càng tốt lại được ưu tiên hàng đầu. Trong trường hợp chảy máu dưới nhện do vỡ túi phình mạch não mà không có máu tụ nhu mô não gây hiệu ứng khối, biện pháp can thiệp nội mạch có thể được lựa chọn.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Khoa Cấp cứu, PGS, TS Nguyễn Văn Chi, những cuộc hội chẩn liên khoa ngay lập tức lần lượt được thực hiện giữa Khoa Cấp cứu và Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh nhằm lựa chọn biện pháp tối ưu nhất cứu chữa cho người bệnh sao cho chính xác và kịp thời nhất có thể. Cuối cùng, biện pháp can thiệp nội mạch nhằm bít tắc túi phình động mạch não được thống nhất lựa chọn.

Tuy nhiên, người bệnh không có bảo hiểm y tế, gia đình người bệnh không có tiền để đóng viện phí ban đầu cũng như thực hiện ca can thiệp kỹ thuật cao với chi phí đắt đỏ. Trước khó khăn này, PGS, TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu và PGS, TS Vũ Đăng Lưu, Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh đã cùng đứng ra bảo lãnh cho người bệnh được thực hiện kỹ thuật cao can thiệp nội mạch bít tắc túi phình động mạch não vỡ cấp cứu. Đồng thời, BSCKII Phạm Thị Bích Mận, Trưởng Phòng Công tác Xã hội đã xuống tận nơi nắm bắt tình hình, lên kế hoạch, thông qua truyền thông kêu gọi tài trợ cho người bệnh từ những nhà hảo tâm.

Nhờ sự quyết tâm của các y, bác sĩ, sự giúp đỡ của lãnh đạo Khoa Cấp cứu, Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời. Sau bảy ngày điều trị, người bệnh đã hoàn toàn tỉnh táo và có thể nói chuyện được.