Cải thiện năng lực mạng lưới cấp cứu trước viện

Cấp cứu trước viện là hoạt động không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cấp cứu; nâng cao khả năng và cơ hội sống cho người bệnh cấp cứu. Tuy nhiên, tại nước ta hoạt động cấp cứu ngoại viện vẫn chưa được phát triển tương xứng với nhiệm vụ, tầm quan trọng của nó.

Một ca nội soi cấp cứu tại Bệnh viện E (Hà Nội).
Một ca nội soi cấp cứu tại Bệnh viện E (Hà Nội).

Hiện nay, mô hình mạng lưới cấp cứu trước viện tại Việt Nam bao gồm: các Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh, thành phố (công lập và dân lập); Tổ cấp cứu 115 thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh; Tổ cấp cứu 115 trong bệnh viện và trung tâm y tế huyện. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 11 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm cấp cứu 115; 18 tỉnh, thành phố có tổ cấp cứu tại các bệnh viện đa khoa tỉnh; bảy tỉnh, thành phố có trung tâm cấp cứu 115 tư nhân và vẫn còn 27 tỉnh, chưa có trung tâm cấp cứu 115. Về nguồn nhân lực và trang thiết bị, toàn mạng lưới cấp cứu trước viện hiện có 6.300 người, trong đó bác sĩ có chứng chỉ hồi sức cấp cứu chiếm 62,6%; có 1.355 xe cứu thương (bao gồm cả xe cứu thương chuyên trách cấp cứu 115 và các xe cứu thương của các bệnh viện kiêm nhiệm khi cần huy động).

Mô hình điển hình là Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng đã tổ chức hệ thống cấp cứu và vận chuyển cấp cứu trước viện với bảy Trạm cấp cứu trước viện phủ khắp địa bàn quận, huyện. Các trạm cấp cứu thực hiện tốt hoạt động cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trước viện thường xuyên 24 giờ trong ngày dưới sự điều hành trực tiếp qua Tổng đài điều hành cấp cứu 115 của Trung tâm. Nhờ vậy việc cấp cứu trước viện đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của người dân do đã rút ngắn thời gian tiếp cận hiện trường (bán kính từ 5 km đến 15 km) và tỷ lệ đáp ứng cấp cứu thành công từ 90% đến 95%, so với tổng cuộc gọi yêu cầu cấp cứu 115…

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, nhất là đối với trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp người bệnh có khả năng tiếp cận được chăm sóc y tế kịp thời và phù hợp hơn. Kết quả nghiên cứu tại một số nước cho thấy tỷ lệ người bệnh sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện tiếp cận được với trung tâm chấn thương phù hợp cao gấp đôi nhóm người bệnh sử dụng phương tiện cá nhân. Mặc dù người bệnh di chuyển bằng phương tiện cá nhân có thời gian tiếp cận cơ sở y tế có thể ngắn hơn, nhưng thời gian để thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng và điều trị cấp cứu tại bệnh viện lại dài hơn so với người bệnh được vận chuyển bằng xe cứu thương do thông tin của người bệnh không được cung cấp trong quá trình vận chuyển để bệnh viện tiếp nhận có sự chuẩn bị trước…

Tại Việt Nam, hoạt động cấp cứu ngoại viện hiện nay đã có sự tham gia của nhiều thành phần bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập. Việc đa dạng hóa các loại hình cung ứng dịch vụ cấp cứu ngoại viện đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của người dân. Từ năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT về Quy chế cấp cứu, hồi sức và chống độc. Bộ cũng đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn của xe cứu thương và tiêu chuẩn thuốc, trang thiết bị trên xe cứu thương nhằm bảo đảm điều kiện hoạt động cho kíp cấp cứu ngoại viện và xe cứu thương… Theo báo cáo của các sở y tế tỉnh, thành phố và 26 bệnh viện tuyến T.Ư, bệnh viện ngành trong chín tháng đầu năm 2019, các đơn vị y tế đã khám cấp cứu do tai nạn giao thông cho gần 353 nghìn lượt người, vận chuyển hơn 41 nghìn lượt người bệnh đến bệnh viện cấp cứu, điều trị.

Tuy nhiên, hiện nay một số yếu tố quan trọng khác của hệ thống cấp cứu trước viện như nhân lực, hệ thống kết nối thông tin, quy trình chuyên môn, gói dịch vụ kỹ thuật cấp cứu và chất lượng cấp cứu ban đầu vẫn cần được rà soát và bổ sung những quy định, tiêu chuẩn cụ thể. Còn nhiều tỉnh, thành phố, nhiều khu vực, địa bàn còn “trắng” về dịch vụ cấp cứu trước viện; không tuyển dụng được cán bộ, ít nhất là bác sĩ thực hiện cấp cứu trước viện; thiếu cơ chế phối hợp giữa trung tâm cấp cứu 115 và bệnh viện; công tác quản lý, điều phối mạng lưới cấp cứu vệ tinh chưa linh hoạt; thiếu cơ chế tài chính cho trung tâm và bệnh viện thu phí vận chuyển cấp cứu… Đây là những khó khăn, hạn chế của công tác cấp cứu ngoại viện ở nước ta hiện nay.

Trước bối cảnh công tác cấp cứu ngoại viện ngày càng được xã hội hóa, nhiều mô hình hoạt động khác nhau ra đời, Bộ Y tế cần sớm xây dựng, ban hành chiến lược quốc gia thiết lập và nâng cao năng lực mạng lưới quốc gia cấp cứu trước viện; bổ sung mã số đào tạo và mã số chức danh nghề nghiệp cho người hành nghề cấp cứu trước viện. Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trung tâm cấp cứu trước viện theo phương châm Trung tâm cấp cứu 115 độc lập có sự phối hợp, tham gia của bệnh viện tuyến tỉnh (làm nòng cốt) và trung tâm điều phối thông tin kết nối giữa các trung tâm cấp cứu 115 và các bệnh viện…

Ngoài ra, sớm xây dựng và ban hành cơ chế tài chính thu phí vận chuyển cấp cứu và đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ trung tâm cấp cứu 115, tổ cấp cứu 115 tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện và trung tâm y tế huyện trong thu hút đội ngũ bác sĩ hoặc luân chuyển bác sĩ của các bệnh viện về làm việc có thời hạn tại các đơn vị này. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin và thiết lập trung tâm điều hành thông minh mạng lưới cấp cứu trước viện tại các tỉnh, thành phố trên cả nước...