Cà Mau lý giải vì sao dịch lọc thận của Sở lại rẻ hơn của bệnh viện

NDO -

NDĐT – Dịch lọc thận cùng hãng sản xuất nhưng loại vừa trúng gói thầu bên Sở Y tế tỉnh lại rẻ hơn loại đang được sử dụng tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Cà Mau hơn 60.000 đồng/can, khiến dư luận nghi ngại phía Sở mua dịch rẻ để sử dụng cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm tế (BHYT)…

Bệnh nhân điều trị tại khoa lọc thận BVĐK Cà Mau.
Bệnh nhân điều trị tại khoa lọc thận BVĐK Cà Mau.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhân Dân điện tử, vào tháng 9-2018, BVĐK Cà Mau đề xuất và được Sở Y tế, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho đấu thầu dịch lọc thận bổ sung (nằm trong Dự án “Mua sắm vật tư Y tế, hoá chất (lần 2) năm 2018-2019 của BVĐK Cà Mau). Sau khi đấu thầu bổ sung, dịch lọc thận HD Plus 144A và HD Plus 8,4B của Công ty cổ phần lọc thận Việt Nam (Công ty B.Braun) đã trúng thầu (gói thầu số 17). Hai loại dịch của gói thầu số 17 có giá là 172.000 đồng/can 10 lít.

Sau khi có kết quả phê duyệt trúng thầu, BVĐK Cà Mau sử dụng hai loại dịch lọc thận nêu trên cho bệnh nhân lọc thận nhân tạo điều trị tại bệnh viện cho đến nay. Tuy nhiên, gần đây dư luận khá bất ngờ bởi kết quả gói thầu thuốc tập trung 2019-2020 của Sở Y tế tồn tại một loại dịch lọc thận cũng của Công ty B.Braun cung cấp nhưng có giá rẻ hơn.

Cụ thể, ngày 13-8-2019, Sở Y tế tỉnh Cà Mau ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung. Trong đó, Công ty B.Braun trúng thầu hai loại dịch lọc thận lần lượt là HD-1A và HD-1B nhưng chỉ có giá 110.000đ/can 10 lít, rẻ hơn loại dịch của hãng này cung ứng mà BVĐK Cà Mau đang sử dụng tới 62.000đ/can 10 lít.

Dư luận cho rằng BVĐK Cà Mau dùng loại dịch tốt, trong khi phía Sở mua dịch lọc thận giá rẻ cho bệnh nhân…?

Trả lời câu hỏi này của phóng viên vào chiều ngày 13-9, ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết: Không có sự việc như nêu trên. Theo lời ông Sa, loại dịch của Công ty B.Braun mà BVĐK Cà Mau đang sử dụng được Bộ Y tế cấp số đăng ký vật tư y tế; còn loại của Công ty B.Braun trúng thầu bên Sở được cấp số đăng ký dạng thuốc.

Ông Sa lý giải: Tuy cùng hãng sản xuất và cung ứng nhưng hai loại dịch nêu trên có nồng độ, hàm lượng khác nhau. Lấy thí dụ, về thông số kỹ thuật, hai loại dịch lọc thận mà BVĐK Cà Mau đang sử dụng có nồng độ, hàm lượng 840g Bicasbonat/10 lít, có Glucose (đường). Trong khi đó, hai loại dịch lọc thận mà Công ty B.Braun trúng thầu bên Sở không có Glucose, nồng độ, hàm lượng chỉ có 659.40g Bicasbonat/10 lít. Vì nồng độ, hàm lượng thấp hơn nên mỗi ca chạy thận đối với loại dịch mà Công ty B.Braun trúng thầu bên Sở tốn khoảng 11 lít/ca, trong khi loại dịch bên BVĐK Cà Mau của cùng hãng chỉ tốn khoảng 6,8 lít/ca chạy thận nhân tạo.

“Vì có sự chênh nhau như nêu trên nên dịch lọc thận mà Công ty B.Braun trúng thầu bên Sở có giá rẻ hơn dịch của Công ty B.Braun đã cung ứng trước đó cho BVĐK Cà Mau” – Ông Sa cho biết thêm.

Liên quan vụ việc nêu trên, tối ngày 13-9, trao đổi với phóng viên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Về góc độ chuyên môn, dịch lọc thận nồng độ cao hay nồng độ thấp, đơn vị chúng tôi không tham gia vì trách nhiệm giải thích thuộc thẩm quyền của Sở Y tế. Tuy nhiên, về nguyên tắc chung trong đấu thầu, nếu cùng yêu cầu về kỹ thuật thì ở hai tình huống khác nhau của hai gói thầu khác nhau, nhà thầu có quyền bỏ thầu và trúng thầu ở hai mức giá khác nhau”.

“Tôi lấy thí dụ nôm na, tôi sản xuất ra sản phẩm A có tổng giá trị 5 đồng, nếu bán được 10 đồng thì tôi lời được 5 đồng. Khi tham gia thầu, mặc dù bảo đảm các yếu tố kỹ thuật nhưng nếu thấy điều kiện cung ứng gần, thuận tiện… nhưng có quá nhiều đơn vị tham gia, tôi có thể hạ lợi nhuận và chỉ tham gia thầu với giá 8 đồng, 7 đồng hoặc thậm chí chào giá bằng với chi phí sản xuất, miễn sao tôi được trúng thầu” – Ông Thiện dẫn dụ.

Được biết, hai loại dịch lọc thận vừa trúng thầu bên Sở Y tế Cà Mau đang được sử dụng tại BVĐK khu vực Cái Nước (tỉnh Cà Mau). Trong khi đó, đại diện BVĐK Cà Mau vào chiều cùng ngày cho biết, khi nào bệnh viện sử dụng hết dịch lọc thận đã trúng thầu trước đó (HD Plus 144A và HD Plus 8,4B – PV) sẽ chuyển sang sử dụng loại dịch vừa trúng thầu bên Sở.