Bệnh nhân Covid-19 ba lần ngừng tim hồi phục ngoạn mục

NDO -

NDĐT - Sau thời gian điều trị hơn hai tháng, trải qua nhiều lần cấp cứu ngừng tim nguy kịch tính mạng, bệnh nhân 19 (bác gái của bệnh nhân 17 - ca nhiễm đầu tiên của Hà Nội) đã được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nỗ lực điều trị, mang lại sự hồi sinh ngoạn mục cho người bệnh.

Bệnh nhân 19 đã bình phục hoàn toàn sau hơn hai tháng điều trị Covid-19.
Bệnh nhân 19 đã bình phục hoàn toàn sau hơn hai tháng điều trị Covid-19.

Bệnh nhân 19 được hồi sinh ngoạn mục

Bệnh nhân 19 vào viện từ ngày 6-3 sau khi cháu gái - ca bệnh 17 được công bố mắc Covid-19. Đây là trường nặng nhất trong số các bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tính đến thời điểm này. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt/khó thở, thở khí phòng, dấu hiệu sinh tồn ổn định, phổi không rale, đại tiểu tiện bình thường. Sau thời gian điều trị hơn hai tháng, bệnh nhân có bảy lần âm tính với SARS-CoV-2.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hành trình điều trị và hồi phục của bệnh nhân 19 là điều đặc biệt ấn tượng trong quá trình điều trị cho hàng trăm bệnh nhân Covid-19 tại đây. Bệnh nhân không chỉ có quá trình điều trị dài ngày nhất, là một trong hai ca phải sử dụng ECMO mà còn bởi, bệnh nhân đã cùng các y, bác sĩ vượt qua những lần cấp cứu thập tử nhất sinh để có được sự hồi sinh ngoạn mục ngày hôm nay.

Bệnh nhân được chuyển vào viện ngày 7-3. Chín ngày sau khi nhập viện, nữ bệnh nhân bất ngờ xuất hiện tổn thương phổi nặng đến 80%, hai lá phổi gần như trắng xóa. Sau đó, bà nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, khó thở, sốt cao, diễn tiến bệnh nghiêm trọng. Ngay lập tức, các bác sĩ phải cho bệnh nhân thở máy khẩn cấp ngay trong đêm 16-3.

Tình thế mỗi lúc một nguy cấp, bệnh diễn biến xấu hơn, bệnh nhân bị suy thận và phải lọc máu. Đến 18-3, tình trạng bệnh nhân chuyển biến nặng, hô hấp rất khó khăn, tổn thương phổi lớn. Đến ngày 4-4, bệnh nhân đã tự thở, cai ECMO, tình trạng tốt dần lên. Các bác sĩ vui mừng vì đã đi được 70% chặng đường. Thế nhưng, một diễn biến bất ngờ lại xảy đến khi virus tấn công vào tim làm tổn thương cơ tim.

0 giờ 45 phút đêm 8-4, bà bỗng xuất hiện rối loạn nhịp tim, đột ngột ngừng tuần hoàn rồi cứ thế rơi vào mê man, bất tỉnh. Sau 40 phút cấp cứu tối khẩn với tám người thay phiên nhau ép tim, đã có lúc tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng may mắn sau 40 phút nỗ lực hồi sức, bệnh nhân 19 đã có nhịp tim trở lại.

BS Khiêm cho biết, may mắn cho BN19 này là dù ngừng tuần hoàn nhưng không để lại di chứng, nhất là di chứng tổn thương thần kinh. Dự kiến sáng mai, bệnh nhân 19 sẽ được công bố khỏi bệnh.

Điều trị Covid-19 là điều trị cá thể hóa

GS, TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khác với các dịch truyền nhiễm khác như SARS, khi điều trị khỏi là bệnh nhân khỏi dứt điểm, không có đuôi dịch. MERS cũng chỉ tồn tại thời gian ngắn. Trong khi đó, SARS-CoV-2 lại có bản chất đột biến, đa dạng, không ổn định. Vì thế, thế giới sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu về sự biến đổi của virus .

Hiện nay, thế giới đã giải được trình tự gien của virus SARS-CoV-2 và mỗi quốc gia đều có những biến thể của virus. Virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam cũng khác với virus gây bệnh ban đầu ở Vũ Hán.

Điều kiện để công bố khỏi bệnh ở thế giới là về mặt lâm sàng, bệnh nhân hết sốt ba ngày và hai lần xét nghiệm cách nhau 24 giờ âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Việt Nam làm cẩn thận hơn, khi xét nghiệm 3-4 lần âm tính mới công bố khỏi bệnh.

GS, TS Nguyễn Văn Kính cho hay, theo kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, về mặt lâm sàng, bệnh nhân ủ bệnh trung bình là 8-10 ngày (thông thường 10 ngày). Khi vào viện, bệnh nhân không có biểu hiện tổn thương phổi nặng ngay mà diễn biến một tuần sau mới thấy rõ tổn thương. Điều này khác hoàn toàn với SARS có biểu hiện viêm phổi nặng nề ngay từ ngày đầu tiên.

Khi theo dõi lâm sàng tổn thương phổi, các bác sĩ cũng phát hiện Covid-19 cũng gây ra tổn thương phổi khác với SARS và MERS vì SARS-CoV-2 gây tổn thương từ ngoài biên, ở dưới đáy phổi trước mồi mới lan dần vào trung tâm. Ban đầu bệnh nhân Covid-19 không có biểu hiện suy hô hấp nhưng sau đó suy hô hấp nhanh.

GS Kính cho biết, trong số các bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam, có khoảng 45% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, 55% bệnh nhân có triệu chứng từ nhẹ tới nặng. Vì thế, trong chiến lược chiến đấu với Covid-19 - một loại bệnh về hô hấp có khi có biểu hiện suy hô hấp, nguy kịch do thiếu ô-xy, các bác sĩ sẽ điều trị cá thể hóa cho từng người bệnh.

Đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã điều trị cho tám bệnh nhân nặng có liên quan đến thở ô-xy, sử dụng các máy hỗ trợ. Bên cạnh rối loạn hô hấp, phần nhiều trong số ca bệnh này có rối loạn đông máu. Những bệnh nhân tiên lượng diễn biến nặng có những chỉ số tăng, đáp ứng miễn dịch giảm. Với những cách thức kinh nghiệm chống SARS, cúm thành công, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cứu sống bệnh nhân vào viện dù nặng hay nhẹ.

Về ca bệnh 19, BS Kính cho biết đây là một trong hai ca phải sử dụng tuần hoàn tim, phổi ngoài cơ thể - ECMO, diễn biến nặng nề. Rất may có sự giám sát tuyệt vời của các bác sĩ nên đã cấp cứu cho bệnh nhân kịp thời vào lúc tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, tự ăn uống và đi lại được, là sự hồi phục kỳ diệu đến từ sự hội chẩn chuyên môn của đội ngũ chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, từ sự tận tình chăm sóc, điều trị của các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.