Bệnh dại có chiều hướng gia tăng

NDO -

Ngày 29-9, tại TP Buôn Ma Thuột, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phối hợp Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.
Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, năm 2020 tình hình bệnh dại có chiều hướng gia tăng. Tính hết tháng 8-2020 cả nước đã ghi nhận 48 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 22 tỉnh, thành phố, tăng bốn trường hợp so với cùng kỳ năm 2019. 

Tại Đắk Lắk, trong bốn năm gần đây (từ 2017 đến 9-2020) có 22 người tử vong do bệnh dại. Cụ thể, năm 2017 có năm trường hợp; Năm 2018 có sáu trường hợp; Năm 2019 có năm trường hợp và 9 tháng đầu năm 2020 có sáu trường hợp.

Nguyên dân chủ yếu là do chó, mèo chưa được tiêm phòng vaccine phòng bệnh; hiện tượng chó, mèo thả rông không được quản lý. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thực của người dân về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế. Người bị chó, mèo cắn thường chủ quan không đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dẫn đến lên cơn dại và tử vong…

Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk cho thấy, toàn tỉnh có khoảng hơn 400 nghìn con chó, nhưng trung bình mỗi năm số lượng chó được tiêm phòng bệnh chỉ khoảng ¼ tổng đàn. Trong khi đó, hằng năm số người bị chó cắn khá cao, mỗi năm có khoảng  4.000 ca.

Tại hội nghị, tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị tỉnh Đắk Lắk tập trung các nguồn lực để triển khai các biện pháp trọng tâm cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn như: tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân; Tổ chức quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo nuôi; Nâng cao tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo theo mục tiêu đề ra…

Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cách phòng bệnh dại tốt nhất là không để bị chó, mèo cắn. Còn nếu bị chó, mèo cắn nên rửa nhanh vết thương dưới vòi nước chảy, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn. Thời gian ủ bệnh sau khi bị chó, mèo cắn dài, ngắn phụ thuộc vào cơ địa của từng người, nên đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Đối với những vết thương chó cắn ở vị trí nguy hiểm như đầu, mặt, ngực, đầu ngón tay, ngón chân cần đi tiêm phòng sớm. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa và không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng cộng đồng dân cư, từng thôn, buôn, trường học về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết của bệnh dại để nâng cao ý thức phòng, chống bệnh.

Cùng với đó là phổ biến các chế tài xử lý vi phạm về nuôi chó, mèo thả rông và phòng, chống bệnh dại động vật theo quy định của Chính phủ; Trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo đối với cộng đồng; Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý.