Bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí

Tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những ngày gần đây chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và hiện tượng sương mù quang hóa đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng, để ngăn chặn tác động của ô nhiễm môi trường gây hại cho sức khỏe.

Tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn diễn ra trong những ngày gần đây tại Hà Nội. Ảnh: MỸ HÀ
Tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn diễn ra trong những ngày gần đây tại Hà Nội. Ảnh: MỸ HÀ

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa thường gặp trong thời gian này là do đang trong giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu sự tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp các nguồn ô nhiễm vốn có (khói của các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng, từ các xe chở vật liệu không được che đậy…). Theo PGS, TS Vũ Văn Giáp, Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), hiện tượng sương mù và các chỉ số về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã vượt mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là điều rất đáng lưu ý, bởi ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, nhất là những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch và người già, phụ nữ có thai, trẻ em...

Trong các thành phần của không khí thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 mi-crô-mét thì sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể, gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.

Who đã xác định, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp chết do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp chết do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Do đó, WHO khuyến cáo, nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả.

Khi chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường nhiều thì người bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những người có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức ngực nặng và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện.

Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất người nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Với người bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần tuân thủ và duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu người bệnh vẫn khó thở, không thể tự kiểm soát được thì cần liên lạc với bác sĩ điều trị, bác sĩ gia đình hoặc cơ sở y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, phòng ngừa và cấp cứu cơn khó thở, tránh nguy hiểm đến tính mạng. Với những người mắc bệnh hô hấp, ngoài bụi thì khói và các mùi hắc khó chịu cũng là tác nhân gây các đợt cấp cho nên khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn).

Việc điều trị, áp dụng các biện pháp phòng bệnh chỉ là phần ngọn, điều quan trọng là phải làm thế nào để giữ cho môi trường trong sạch. Mỗi người góp một việc nhỏ thì sẽ chung tay bảo vệ môi trường sống trong lành. Hãy hạn chế đốt vàng mã, nhang, hương vào các dịp ngày rằm và mồng 1 vì cũng không tốt cho sức khỏe. Cần dừng, loại bỏ hiện tượng đốt rơm, rạ ở khu ngoại thành Hà Nội vì nó là một trong những yếu tố khiến bầu không khí của Thủ đô thêm ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề hơn. Khi dừng đèn đỏ, hãy tắt máy các phương tiện giao thông; thấy xe ô-tô nào phát thải nhiều khói bụi, công trình xây dựng nào không che chắn kỹ, chúng ta cần lên tiếng nhắc nhở. Mỗi người dân hãy là một thành viên tích cực, có ý thức bảo vệ môi trường trong lành, bởi đó cũng là bảo vệ lá phổi của chúng ta.