Bảo đảm đầy đủ vật tư, sinh phẩm y tế cho phòng, chống dịch Covid-19

Sáng 7-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan T.Ư; các địa phương có ca nhiễm về công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương ở phía bắc, phía nam đã hỗ trợ tích cực cho các tâm dịch, nhất là ở Ðà Nẵng, Quảng Nam với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào rất lớn. Nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ, đóng góp công sức, máy thở, phương tiện y tế, tiền của cho công cuộc PCD. Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao đòi hỏi đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa, nỗ lực cả hệ thống chính trị ít nhất trong hai tuần tới ở các địa bàn trọng điểm. Từ kinh nghiệm Ðà Nẵng và các địa phương cho thấy, chúng ta phải truy vết, xét nghiệm ngay, cách ly tập trung, dập dịch kiên quyết, điều trị tích cực; quản lý, khai báo cách ly những người từ Ðà Nẵng về một cách phù hợp. Chúng ta kiên trì giãn cách xã hội ở những ổ dịch một cách nghiêm túc, kịp thời; không thực hiện đồng loạt giãn cách xã hội ở những địa phương, vùng chưa có dịch để bảo đảm hoạt động tối thiểu cần thiết, không đứt gãy nền kinh tế.

Thủ tướng giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư căn cứ tình hình có giải pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện. Quán triệt tinh thần tập trung cao độ, phản ứng nhanh và hiệu quả, huy động tổng lực, nhuần nhuyễn giữa các lực lượng; quyết tâm, kiểm soát, kiềm chế tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất; yêu cầu các cơ sở y tế dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế có biện pháp, không được chủ quan, không để lây nhiễm ở bệnh viện, bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế. Khoanh vùng, cách ly xã hội nghiêm ở những nơi được coi là ổ dịch; xét nghiệm nhanh, chính xác là chìa khóa ngăn chặn dịch lây lan, xét nghiệm RT-PCR nhanh hơn nữa, truy vết nhanh hơn nữa, chăm sóc y tế cho các đối tượng có nguy cơ cao. Các địa phương có dịch phải dành phương tiện, nguồn lực cho việc này, chống lãng phí. Yêu cầu Bộ Y tế điều phối, hỗ trợ kịp thời cả phương tiện, năng lực xét nghiệm, vật tư, chuyên môn cho các địa phương. Tinh thần là bảo đảm đủ vật tư, thiết bị y tế cho các địa phương có dịch, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, bảo đảm không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế; giải quyết nhanh việc mua sắm vật tư y tế mà không vướng vào tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm; yêu cầu không vì cơ chế mà để chậm trễ, thiếu sinh phẩm, vật tư y tế; nếu thiếu tiền phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo T.Ư xử lý; vận dụng đúng tinh thần "4 tại chỗ", Ðiều 22 Luật Ðấu thầu. Thành lập tổ công tác cùng xem xét, xử lý chặt chẽ vấn đề này.

Thủ tướng khẳng định đeo khẩu trang là yêu cầu hiện nay, trước hết là nơi công cộng, thành phố lớn, những nơi có dịch; các địa phương phải vận động, cung cấp, mua bán khẩu trang phù hợp, nhất là những nơi đông người. Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xử phạt người không đeo khẩu trang ở nơi đông người. Tăng cường sản xuất máy thở, khẩu trang y tế cho các tỉnh, thành phố trọng điểm. Bộ Y tế phải chỉ đạo vấn đề này phù hợp để hỗ trợ Ban Chỉ đạo. Sẵn sàng thành lập các bệnh viện dã chiến ở những địa phương cần thiết như Ðà Nẵng, Quảng Nam, các thành phố đông người có thể lây nhiễm. Ðể nhanh chóng truy vết, ngăn chặn dịch lây lan, Thủ tướng đề nghị mọi người dân có điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone càng sớm càng tốt. Thủ tướng hoan nghênh Quảng Nam và một số địa phương thành lập các tổ cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để vận động nhân dân PCD hiệu quả hơn. Chiến lược PCD hiệu quả và bền vững phải dựa trên việc duy trì liên tục các hoạt động kinh tế, nhưng phải chú ý phòng dịch chặt chẽ; không vì kinh tế mà ảnh hưởng PCD; không "ngăn sông, cấm chợ". Ngành y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tuyến cho nhân viên của các cơ sở y tế để khi có ca nhiễm có thể xử lý kịp thời. Toàn ngành y tế tiếp tục báo động đỏ để nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Ðà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... xem xét tính toán dự trữ, cung ứng lương thực, thực phẩm đề phòng dịch kéo dài hơn dự kiến, phục vụ mọi nhu cầu khi giãn cách xã hội. Trong khám điều trị, chữa bệnh phải có biện pháp giảm nguy cơ cho người cao tuổi, người có bệnh nền, bệnh nặng, mãn tính, để giảm tử vong. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư căn cứ diễn biến dịch quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, không để đình trệ công việc, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu, tăng cường trực tuyến giải quyết công việc; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cần thiết trong PCD, đặc biệt là xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị chủ quan, khinh suất. Các cấp, các ngành, nhất là ngành y tế, công an, quân đội, các lực lượng hỗ trợ tại địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát biện pháp PCD trên địa bàn để ngăn chặn và xử lý nghiêm việc không chấp hành.

Yêu cầu ngành giáo dục và tất cả các địa phương rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp cụ thể, phù hợp bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, chủ động các biện pháp PCD trên tinh thần bảo đảm an toàn cho thí sinh, thầy cô giáo. Xử lý nghiêm nhóm đối tượng làm giả vật tư y tế, khẩu trang... Thủ tướng yêu cầu các địa phương cả nước, ngành liên quan trước hết là ngành y tế, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị không chủ quan, thực hiện các biện pháp chủ động trong PCD, bảo đảm các hoạt động bình thường, không bị đứt gãy.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, nhu cầu hóa chất, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm,… để PCD là rất cấp bách. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị có tâm lý e ngại mua sắm. Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các địa phương chủ động quyết định theo thẩm quyền các hình thức mua sắm phù hợp để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu hàng hóa phục vụ PCD tại địa phương, trong đó có chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh qua mạng, không để xảy ra tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm… Về xây dựng giá gói thầu, đề nghị tham khảo kết quả đấu thầu đã đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế để khẩn trương mua sắm...

* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo ngày 7-8 có thêm 37 người nhiễm Covid-19 (người bệnh từ thứ 748 đến 784). Trong đó tại Ðà Nẵng (22 người), Quảng Nam (8 người), Hà Nội (1 người), Hải Dương (1 người), Thanh Hóa (1 người), Quảng Trị (2 người) và 2 ca từ nước ngoài nhập cảnh về TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các địa phương lần đầu ghi nhận ca bệnh là: Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị. Ðến 18 giờ ngày 7-8, cả nước có 784 người nhiễm Covid-19 tại 14 tỉnh, thành phố.

* Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho biết, ngày 7-8 có ba người bệnh mắc Covid-19 (người bệnh thứ 387, 410, 412) điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Ðịnh được công bố khỏi bệnh. Hiện tại sức khỏe các người bệnh này ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh, tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

* Ngày 7-8, quyền Bộ trưởng Y tế có công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, báo cáo kết quả xác minh, quản lý các trường hợp đến Ðà Nẵng đã trở về địa phương. Theo đó, các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng tốc hơn nữa việc truy vết, xác minh, lập danh sách tất cả các trường hợp đến, lưu trú tại TP Ðà Nẵng từ ngày 1 đến 28-7 đã trở về địa phương trên mọi phương tiện; các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh hoặc đến các khu vực có nguy cơ cao theo các thông báo của Bộ Y tế phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe, xét nghiệm sàng lọc và cách ly y tế phù hợp. Tổ chức triển khai xét nghiệm xác định ca bệnh thông qua phát hiện kháng nguyên của vi-rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR.

* Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung cho biết, từ ngày 7-8, Hà Nội triển khai xét nghiệm khẳng định trên diện rộng cho các trường hợp trở về từ Ðà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 29-7. Trước mắt, ưu tiên địa bàn có nguy cơ cao, các trường hợp tiếp xúc gần với mầm bệnh hoặc có biểu hiện nghi ngờ... Cũng từ ngày 7-8, Hà Nội bắt đầu xử phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Thành phố yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa điểm thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch; bố trí nước sát khuẩn, tổ chức đo thân nhiệt; người dân phải đeo khẩu trang.

* Liên quan người bệnh thứ 752 (nữ, 30 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) mắc Covid-19, ngày 7-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả điều tra sơ bộ ghi nhận được tám trường hợp F1 và đã lấy mẫu xét nghiệm, đưa đi cách ly tập trung. CDC Hà Nội tiếp tục điều tra lịch trình di chuyển của người bệnh, rà soát những người tiếp xúc với người bệnh.

* Ngày 7-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố có văn bản khẩn yêu cầu rà soát, thành lập, tập trung triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công tác trong cộng đồng dân cư. Yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát, kiện toàn hoặc thành lập ngay (đối với các địa phương, khu vực chưa thành lập) các Tổ công tác tại cộng đồng ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn. Mỗi tổ gồm từ hai đến ba người và huy động cán bộ tổ dân phố, các đoàn thể xã hội, tình nguyện viên tại khu dân cư, phân công cụ thể mỗi tổ phụ trách từ 30 đến 50 hộ gia đình.

Cùng ngày, TP Ðà Nẵng có văn bản yêu cầu việc tiếp nhận nguồn hàng ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Ðà Nẵng sẽ tập trung đầu mối tại MTTQ thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, MTTQ các quận, huyện, xã, phường, nhằm tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh liên quan thực phẩm.

* Ngày 7-8, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi trao Giấy chứng nhận cho 269 công dân trở về từ các nước có dịch hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định. Trong ngày 7-8, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm trị giá 40 triệu đồng cho bốn khu cách ly tập trung của tỉnh; tặng 10 máy sát khuẩn, 100 lít dung dịch sát khuẩn cho 10 doanh nghiệp có đông công nhân lao động.

* Chiều 7-8, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai ký quyết định hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách cho TP Ðà Nẵng ba tỷ đồng và tỉnh Quảng Nam ba tỷ đồng phục vụ phòng, chống Covid-19. Liên quan hai bệnh nhân 595, 669, chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Ðồng Nai cho biết, tất cả các trường hợp F1, F2 có nguy cơ cao và toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân Khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Ðồng Nai đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2.

* Sáng 7-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết, từ ngày 25-7 đến nay, thành phố ghi nhận tám trường hợp mắc Covid-19, tất cả đều liên quan ổ dịch tại Ðà Nẵng. Cả tám bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, sức khỏe ổn định. Hiện, đã xác định được 871 người tiếp xúc gần hoặc có liên quan các ca bệnh; tiếp cận được 847 người; tổ chức cách ly tập trung 243 người và cách ly tại nhà 604 người. Trong số 847 trường hợp xét nghiệm, có 770 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

* Ngày 7-8, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Ðắk Lắk, bác sĩ Châu Ðương cho biết, người bệnh 448 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 lần 1; người bệnh 601 đã hết sốt; người bệnh 602 hoàn toàn không có triệu chứng gì. Ngoài ra, 90 trường hợp từ vùng dịch về và F1 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 lần 1.

* Cùng ngày, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã có công văn gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Ðà Nẵng; Cục Hàng không Việt Nam về việc hỗ trợ 1.695 du khách đang ở lại Ðà Nẵng trở về địa phương; trong đó, 961 khách trở về Hà Nội, 734 khách trở về TP Hồ Chí Minh. Bộ yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không tổ chức phương án vận chuyển khách, đón trả khách bảo đảm đúng quy định về phòng, chống dịch; thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly y tế tại địa phương theo quy định.

* Sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thái Bình phong tỏa 30 hộ dân trong thôn Lạc Trung Nam, xã Tây Ninh (huyện Tiền Hải) và theo dõi, cách ly 118 trường hợp F1, F2 có tiếp xúc với bệnh nhân 714. Chiều cùng ngày, tỉnh Thái Bình tổ chức đón 180 công dân từ Anh quá cảnh sân bay Nội Bài về cách ly tại địa bàn.

* Trong ngày 7-8, các tổ chức, cá nhân ủng hộ phòng, chống Covid-19 như sau: Tập đoàn Vingroup bàn giao lô máy thở cho Bộ Y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, gồm 3.000 máy thở VSMART VFS-410 và 200 máy thở xâm nhập VFS-510; ngoài ra tặng 100 máy thở cho TP Ðà Nẵng. Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tiếp nhận hai tỷ đồng từ Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Công ty mong muốn gửi số tiền này tới hai tỉnh Quảng Nam, Ðà Nẵng phục vụ việc mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện dã chiến. UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận ủng hộ từ: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) 5 tỷ đồng, Tập đoàn Hòa Phát 2 tỷ đồng, Tập đoàn FVG 1 tỷ đồng, Báo Người lao động tại miền trung 1 tỷ đồng, 50 tấn gạo và 3.000 bộ trang phục phòng hộ y tế, Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam 200 triệu đồng. Sở Y tế Hà Nội tiếp nhận 10 nghìn bộ Kit xét nghiệm vi-rút SARS-COV-2 và 12 nghìn mặt nạ chống giọt bắn do Bệnh viện đa khoa Tâm Anh và Hệ thống Tiêm chủng vắc-xin VNVC trao tặng, tổng trị giá sáu tỷ đồng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

* Ngày 7-8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định cử đoàn cán bộ 40 người (gồm 20 bác sĩ và 20 điều dưỡng) tham gia phòng, chống dịch tại Ðà Nẵng.

Ngày 7-8, Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an có thư gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Thay mặt Ðảng ủy Công an T.Ư, Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tích và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần làm tốt công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Bộ trưởng đặc biệt biểu dương, khen ngợi những tấm gương cán bộ, chiến sĩ công an đang ngày đêm tham gia trực tiếp, trên mặt trận tuyến đầu PCD, không quản ngại, khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, rủi ro trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Ðồng chí tin tưởng, công an các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và công tác PCD; với tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", mỗi cán bộ, chiến sĩ công an là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tuyến đầu PCD Covid-19, xứng đáng là điểm tựa tinh thần, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong cuộc chiến PCD, quyết tâm đẩy lùi, chiến thắng dịch Covid-19.