Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu

Các cơ quan chức năng  đang tổ chức các đoàn liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) để kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm phục vụ Tết Trung thu. Trong đó, có biện pháp xét nghiệm mẫu bánh trung thu ngay trên xe lưu động.

Lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh: MAI TRANG
Lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh: MAI TRANG

Mấy ngày nay, chị Hoàng Thị Nguyệt (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đang phân vân lựa chọn mấy loại bánh trung thu được bày bán trên dọc tuyến phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) để kịp gửi về quê biếu gia đình hai bên nội, ngoại và người thân đón Tết Trung thu. Theo chị Nguyệt, hiện nay trên thị trường đang có rất nhiều loại bánh, nhất là bánh nướng, bánh dẻo với nhiều mức giá. Mặt khác, thời gian qua các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, thu giữ một khối lượng lớn bánh nướng, bánh dẻo, nguyên liệu, phụ gia phục vụ sản xuất bánh trung thu, không có hóa đơn chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ đang được vận chuyển đưa ra thị trường tiêu thụ. Nếu những sản phẩm bánh trung thu, thực phẩm không bảo đảm chất lượng được "trà trộn" vào các sản phẩm khác để bán cho người tiêu dùng, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Ðây chính là nỗi băn khoăn, lo lắng lớn nhất của người tiêu dùng vào thời điểm này!

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ATTP, bánh trung thu thường không bảo quản dài hạn được (hạn sử dụng chỉ từ một đến hai tháng), trong khi đó thời gian Tết Trung thu ngắn, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Chính vì lợi nhuận, cho nên đã có không ít nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định về ATTP, sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng để sản xuất, khai thác nguồn hàng không rõ ràng trôi nổi để kinh doanh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: TP Hà Nội đã thành lập bốn đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP Tết Trung thu, với sự tham gia của các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Cục Quản lý thị trường. Các đoàn sẽ tổ chức kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 15-9 đến hết ngày 7-10. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành của đơn vị, địa phương mình.

Ngành y tế Hà Nội cũng đã thành lập bốn đoàn kiểm tra ATTP Tết Trung thu, trong quá trình kiểm tra các đoàn kiểm tra sẽ lấy mẫu nguyên liệu sản xuất bánh để xét nghiệm nhanh ngay trên xe kiểm nghiệm lưu động. Khi phát hiện sản phẩm không bảo đảm chất lượng, cơ quan chức năng sẽ lập tức cho dừng lưu thông, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Ðáng mừng, kết quả kiểm tra, giám sát bước đầu tại một số làng nghề sản xuất bánh trung thu truyền thống như: La Phù, Xuân Ðỉnh, Xuân Tảo; các cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn thành phố cho thấy: Các hộ sản xuất đều được tập huấn, phổ biến kiến thức về ATTP và tuân thủ khá nghiêm túc các quy định về bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển sản phẩm bánh trung thu. Hiện, không còn tình trạng phơi nguyên liệu sản xuất bánh trung thu bên đường làng, ngõ xóm như những năm trước đây. Các nhà hàng, khách sạn có sản xuất bánh trung thu cũng đều chấp hành tốt công tác bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất giấy khám sức khỏe của nhân viên hết hạn; khu chế biến chưa có lưới chắn côn trùng…, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở khẩn trương khắc phục tồn tại và giao cho Ban Chỉ đạo ATTP của địa phương tiếp tục giám sát, kiểm tra. Những tuần gần đây các cơ quan quản lý thị trường trên địa bàn TP Hà Nội đã phát hiện, xử lý kịp thời hàng chục vụ vi phạm ATTP liên quan đến sản phẩm bánh trung thu, với tổng số tiền phạt gần 60 triệu đồng; tạm giữ và xử lý hơn 31 nghìn sản phẩm bánh trung thu các loại…

Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng nên lựa chọn và sử dụng sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc rõ ràng như tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản; sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu. Ðồng thời, khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời.