Xuất cấp trang thiết bị ứng phó thiên tai

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN).

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 2.791 bộ nhà bạt các loại và 85.467 chiếc phao cứu sinh các loại từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN để trang bị cho các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng ứng phó với các tình huống sự cố, thiên tai và TKCN. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. Việc xuất cấp, quản lý và sử dụng số nhà bạt và phao cứu sinh nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành...

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông cho nên ngày 18-10, ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông; từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến từ 80 đến 120 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ). Mưa to ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có khả năng kéo dài đến ngày 19-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

* Sau đợt mưa lớn, đến sáng 17-10, tại TP Vinh (Nghệ An), nước lụt đã cơ bản thoát hết. Các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ lại tiếp tục xuống với người dân vùng bị ngập sâu để giúp công tác khắc phục hậu quả.Trong đó, có 60 cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 873 (Quân khu 4) đã có mặt ở phường Bến Thủy từ sáng sớm để giúp các gia đình chính sách, neo đơn dọn dẹp nhà cửa, tổng vệ sinh môi trường. Tỉnh đoàn Nghệ An huy động 600 đoàn viên giúp tiểu thương chợ Vinh phơi hong số tài sản bị ngập nước; giúp đỡ các trường học dọn dẹp phòng học bị ngập lụt, thu dọn rác và đất cát tại một số tuyến đường.

* Ngày 17-10, ở khu vực các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam đến Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 20 đến 40 mm, một số nơi cao hơn như: Sơn Ba 61,2 mm, Ba Vinh 56,8 mm (Quảng Ngãi); Hồ Hà Nhe 60,4 mm (Bình Định); Tuy Hòa 45,6 mm (Phú Yên)... Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ xảy ra tại các huyện: Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam); Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát (Bình Định); Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An (Phú Yên).

* Ngày 17-10, UBND thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết, tối 16-10, đã xảy ra mưa lớn và dông lốc quét qua ấp Phú Hưng, xã Phú Vĩnh làm sập một nhà và 27 nhà bị tốc mái. Ngay sau đó, UBND thị xã Tân Châu đã đến động viên thăm hỏi các hộ bị thiệt hại, đồng thời huy động các lực lượng giúp người dân sửa lại nhà bị hỏng, tốc mái.

* Chiều 17-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã đến khảo sát, đánh giá mức độ sạt lở bờ sông Tiền, khu vực từ cầu Mỹ Thuận đến sông Cái Da Lớn (thuộc hai xã Tân Hòa và Tân Hội, TP Vĩnh Long), qua đó đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế sạt lở tại đây. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 157 điểm sạt lở, chiều dài là 4.942 m, ảnh hưởng 292 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 6,8 tỷ đồng.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, tính đến giữa tháng 10, toàn tỉnh có gần 125 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở chưa được xây dựng kè; trong đó có 19 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 70 km sạt lở nguy hiểm... Để khắc phục, tỉnh ưu tiên huy động nguồn kinh phí để xây dựng kè, di dời và tái định cư các hộ dân, lập bản đồ cảnh báo. Theo đó, giai đoạn từ năm 2019 đến 2030, tỉnh cần đến 990 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; trong đó từ năm 2019 - 2020 cần 273 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia vừa có báo cáo nhận định tình hình thời tiết, thiên tai từ tháng 11-2019 đến tháng 4-2020. Theo đó, những tháng cuối năm 2019, mật độ bão trên khu vực Biển Đông có xu hướng cao hơn trung bình. Từ nay đến cuối năm còn khoảng ba đến năm cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có khoảng một đến hai cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta...

* Nhằm ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm, UBND tỉnh Phú Yên vừa có Văn bản số 173/KH-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai phương án chủ động ứng phó tình hình mưa, bão, lũ lụt, triều cường và sạt lở đất. Các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT các cấp, trực ban PCTT theo phương án “bốn tại chỗ”; nắm chắc thông tin diễn biến thời tiết, cảnh báo cho người dân biết để kịp thời ứng phó...

* Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, trưa 17-10, 12 lao động trên tàu cá số hiệu QNg 97459 TS, do ông Trần Văn Liên (SN 1977, trú tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, làm chủ tàu), bị chìm trên biển đã được cán bộ, chiến sĩ của Đồn phối hợp ngư dân địa phương đưa vào bờ an toàn. Sức khỏe của 12 thuyền viên ổn định. Trước đó, lúc 3 giờ cùng ngày, tàu cá này vào đảo Cù Lao Chàm để tránh gió. Khi đến khu vực Hòn Tại, do trời tối, sóng to, gió lớn, tàu cá tông mạnh vào rạn đá khiến tàu bị vỡ mũi và be, đến khi cách bờ biển Bãi Hương khoảng hơn 900 m thì tàu bị chìm. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm đã huy động năm tàu cá của ngư dân địa phương, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn đi ứng cứu.

Chăn nuôi an toàn sinh học góp phần khống chế dịch bệnh

Sáng 17-10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực tế cho thấy nơi nào làm tốt chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) kết hợp chế phẩm vi sinh sẽ góp phần khống chế dịch bệnh động vật nói chung, DTLCP nói riêng, đàn lợn vẫn được an toàn. Do vậy cần khuyến khích những hộ chăn nuôi trang trại lớn và vừa, doanh nghiệp bảo đảm đủ ATSH đẩy mạnh tăng đàn. Những hộ nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm ATSH thì không tái đàn để tránh dịch lại xảy ra gây thiệt hại kép. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhận định, cuối năm và đầu năm là thời điểm tiêu thụ thực phẩm cao nhất. So với mọi năm, dự báo nguồn cung thiếu khoảng hơn 8%. Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo chú trọng phát triển các sản phẩm gia cầm, đại gia súc, thủy sản để bù đắp phần nào lượng thịt lợn thiếu hụt. Đến nay, thịt trâu tăng 3,1%, thịt bò tăng 4,2%, thịt gia cầm tăng 13,5%, trứng tăng 10%, thủy sản tăng 6,5%...