Xử lý quy hoạch “treo”, quy hoạch chồng quy hoạch đô thị Gia Nghĩa

NDO -

Sau hơn 15 năm thành lập, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông vẫn như một đại công trường với hàng chục dự án trong nội thành vẫn trong quá trình triển khai nham nhở hoặc “treo” nhiều năm nay khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại rất lúng túng trong việc quản lý và xử lý vì quy hoạch đang tồn tại nhiều bất cập, quy hoạch chung chung, luôn trong tình trạng thay đổi hoặc quy hoạch chồng quy hoạch.

Một khu vực đất nông nghiệp với hàng chục ha tại phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa được quy hoạch là đất cây xanh nhưng lại đang được đề xuất chuyển đổi qua đất ở.
Một khu vực đất nông nghiệp với hàng chục ha tại phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa được quy hoạch là đất cây xanh nhưng lại đang được đề xuất chuyển đổi qua đất ở.

“Đỏ mắt” với quy hoạch cây xanh

Nghĩa Phú là phường điển hình của thành phố Gia Nghĩa về tỷ lệ đất quy hoạch cây xanh chiếm đa số diện tích. Theo Quyết định 184/QĐ-UBND, ngày 30-1-2008 của UBND tỉnh Đắk Nông, về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Gia Nghĩa đến năm 2025 thì diện tích đất được quy hoạch là đất ở trên địa bàn phường khá nhiều với hàng trăm ha. Tuy nhiên, đến năm 2013 UBND tỉnh Đắk Nông lại điều chỉnh quy hoạch tại quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14-8-2013 về việc phê duyệt quy hoạch chung đô thị Gia Nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì diện tích của phường Nghĩa Phú chỉ còn khoảng 1.300ha, trong đó diện tích đất ở chỉ khoảng từ 70-90ha, số còn lại được điều chỉnh sang quy hoạch là đất cây xanh hoặc đất khác. Quyết định này đã khiến cho chính quyền địa phương rơi vào tình trạng lúng túng trong quản lý và xử lý vấn đề đất đai, người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhiều hộ dân trước đó đã bỏ ra số tiền lớn, thậm chí là hàng trăm triệu đồng để chuyển đổi sang mục đích đất ở nhưng sau đó không được cấp giấy phép xây dựng và làm nhà ở, mà chỉ được cấp phép tạm hoặc cấm xây dựng với lý do quy hoạch mới điều chỉnh là đất cây xanh nên gây bức xúc trong nhân dân. Sau đó, các vấn đề về đất đai, quy hoạch đô thị đã trở thành vấn đề nóng tại hầu hết các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân trên địa bàn phường.

Đến năm 2018, UBND thị xã Gia Nghĩa (nay là thành phố) đã rà soát, điều chỉnh và ban hành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ở một số khu vực với khoảng 450ha đất ở đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu bức xúc của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, vào tháng 3-2021 UBND tỉnh Đắk Nông lại phê duyệt, công bố quy hoạch phân khu Khu du lịch sinh thái thủy điện Đắk Tih với 1.715ha, bao trọn toàn bộ diện tích phường Nghĩa Phú và một phần của phường Quảng Thành và xã Đắk R’Moan dẫn đến tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch.

Gia đình ông Đinh Xuân Đông sinh sống tại tổ 2, phường Nghĩa Phú, thành phố Gia Nghĩa từ năm 1998, khi Đắk Nông còn là một huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk. Năm 2004, Đắk Nông tách ra khỏi tỉnh Đắk Lắk, Gia Nghĩa trở thành trung tâm hành chính của tỉnh Đắk Nông, gia đình ông Đông có đất thuộc diện thu hồi để xây dựng trụ sở một số cơ quan hành chính của tỉnh. Theo quy định, gia đình ông Đông thuộc diện được cấp đất tái định cư sau khi bị thu hồi đất vào năm 2005. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình ông Đông vẫn chưa được cấp đất tái định cư và hằng tháng vẫn được hỗ trợ tiền thuê nhà.

Ông Đinh Xuân Đông cho biết, thời điểm bị thu hồi đất, gia đình được nhà nước bồi thường gần 90 triệu đồng. Sau đó do chưa bố trí được đất tái định cư nên mỗi tháng gia đình được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà. Số tiền hỗ trợ thuê nhà sau đó được điều chỉnh lên 1,2 triệu, rồi 1,5 triệu/tháng. Tính đến nay gia đình đã được hỗ trợ tiền thuê nhà gần 16 năm, tổng số tiền đã lên tới hơn 200 triệu đồng nhưng vẫn chưa biết khi nào thì được cấp đất tái định cư. Cũng theo ông Đông, hiện gia đình có ba mảnh đất tại phường Nghĩa Phú và phường Quang Thành đều thuộc thành phố Gia Nghĩa, với tổng diện tích gần 2ha. Tuy nhiên, sau nhiều lần quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết và điều chỉnh các loại quy hoạch, toàn bộ số đất này đều không được quy hoạch là đất ở, mà chủ yếu được quy hoạch là đất cây xanh nên không thể chuyển đổi để xây dựng nhà, ổn định cuộc sống. Ông Đông có ba người con, người nhỏ tuổi nhất cũng đã hơn 30 tuổi, người con đầu đã lập gia đình, đất đai thì nhiều nhưng vì quy hoạch cây xanh nên không chuyển đổi sang đất ở để làm nhà hoặc tách thửa cho con cháu ra riêng nên cuộc sống hết sức khó khăn. Mong muốn của ông Đông cũng như người dân phường Nghĩa Phú hiện nay là các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng diện tích đất ở đô thị để người dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phải rõ ràng, cụ thể về thời gian triển khai, không thể cứ kéo dài tình trạng quy hoạch xong rồi “treo”, hoặc quy hoạch chồng quy hoạch khiến người dân có đất nhưng phải sống cảnh “vô gia cư”.

Xử lý quy hoạch “treo”, quy hoạch chồng quy hoạch đô thị Gia Nghĩa -0
 Hàng chục ha đất nông nghiệp tại khu quy hoạch số 3 phường Nghĩa Trung bị xẻ thịt phân lô bán nền vô tội vạ khiến người dân vô cùng bức xúc.

Chủ tịch UBND phường Nghĩa Phú Nguyễn Quang Sơn cho biết, do quy hoạch chồng chéo, quy hoạch chồng quy hoạch nên hiện nay chính quyền địa phương rất lúng túng trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch, nhiều vấn đề về đất đai, nhất là đất ở đang là vấn đề bức xúc của người dân hiện nay. Đất đai là tài sản chủ yếu của người dân trong sản xuất, làm nhà ở, tách thửa khi con cháu ra ở riêng, tài sản chuyển nhượng, thế chấp… trong các hoạt động phát triển kinh tế nên việc bất cập trong quy hoạch hiện nay đã làm hạn chế sự phát triển của địa phương, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.

Phường Nghĩa Trung đang có nhiều loại dự án thuộc quy hoạch dân cư và quy hoạch đô thị thuộc cấp tỉnh và thành phố với số lượng nhiều nhất Gia Nghĩa hiện nay. Đây là phường trung tâm với nhiều khu tái định cư đã được triển khai xây dựng và có mật độ dân số cao so với mặt bằng chung của thành phố. Tuy nhiên, cũng tại phường Nghĩa Trung, hàng loạt khu dân cư bị quy hoạch “treo” nhiều năm nay khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như khu 92ha, khu 24ha, khu dân cư số 2... có những khu vực quy hoạch “treo” hàng chục năm sau đó lại được gỡ bỏ, chuyển sang quy hoạch mới hoặc chỉnh trang đô thị theo quyết định mới nhưng các quyết định thu hồi đất riêng lẽ đối với đất đai của người dân trước đó không được thu hồi, gỡ bỏ nên đẩy người dân vào tình trạng khốn đốn.

Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung Trần Thanh Luyện cho biết, thẩm quyền quy hoạch là của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp thành phố. Cấp xã, phường chỉ tiếp thu ý kiến của người dân và báo cáo, đề xuất, góp ý dựa trên điều kiện thực tế. Hiện nay, bên cạnh nhiều khu dân cư bị quy hoạch “treo”, việc quản lý đô thị trên địa bàn cũng gặp rất nhiều khó khăn do quy hoạch không sát thực tế, không có tính khả thi cao. Điển hình là việc quy hoạch hệ thống đường giao thông không trùng với đường hiện trạng; nhiều khu vực dân cư sinh sống đông đúc nhưng trên quy hoạch lại là đất cây xanh; có khu vực được quy hoạch là khu dân cư nhưng trên quy hoạch chung của tỉnh là đất ở, còn quy hoạch chi tiết của thành phố lại là đất cây xanh nên chính quyền địa phương cũng chẳng biết quản lý và thực hiện như thế nào cho đúng, nếu không điều chỉnh kịp thời thì không thể thực hiện được...

Cũng theo ông Luyện, phường Nghĩa Trung đã báo cáo lên UBND thành phố Gia Nghĩa và các phòng chức năng liên quan về một số bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn. Trong đó, đề xuất điều chỉnh một số tuyến đường trong quy hoạch cho trùng với đường hiện trạng thực tế; chuyển đổi quy hoạch đất đai dọc một số tuyến đường, vị trí dân cư đông đúc sang đất ở để phù hợp với hiện trạng thực tế và thuận lợi cho người dân; rà soát, thông nhất quy hoạch đất đai, đô thị giữa cấp tỉnh và thành phố để sớm tháo gỡ những bất cập như hiện nay nhằm ổn định cuộc sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Rà soát, điều chỉnh sát thực tế

Nhu cầu đất ở ngày càng tăng do dân số gia tăng liên tục trong quá trình đô thị hóa. Việc quy hoạch đô thị, quy hoạch đất ở cần tính đến đầy đủ thực tế này, tránh tình trạng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch theo kiểu chạy theo biến động dân cư. Về vị trí, tỷ lệ đất đai được chuyển đổi sang đất ở trong quy hoạch tổng thể cây xanh đô thị cần được quy định rõ và công khai để người dân, chính quyền địa phương được biết, thực hiện. Tránh tình trạng quy hoạch đất cây xanh tràn lan, không rõ ràng, dẫn tới việc địa phương lúng túng, không giải quyết, tháo gỡ cho người dân. Mặt khác, hiện nay nhiều khu vực đất quy hoạch cây xanh đang được chuyển đổi sang đất ở theo kiểu manh mún, dưới dạng bổ sung vào giữa hoặc cuối nhiệm kỳ khiến cho quy hoạch chung có nguy cơ bị phá vỡ.

Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Gia Nghĩa Nguyễn Văn Dũng cho biết, trước thực trạng về những bất cập trong quy hoạch đô thị mà chính quyền địa phương và người dân kiến nghị, thành phố đã chỉ đạo cho đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch đô thị, thực hiện quy hoạch trên địa bàn để tham mưu cho UBND thành phố Gia Nghĩa trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh. Mục tiêu chính là tiếp thu, tổng hợp hết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, đồng thời phục vụ việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch mà Sở Xây dựng Đắk Nông đang triển khai.

quy_hoach_treo_3-1620738254266.jpg
 Nhiều vị trí đất nông nghiệp, thác nước tại phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa bị hủy hoại để làm “du lịch chui”.

Theo thống kê, hiện nay thành phố Gia Nghĩa có tới 55 đồ án quy hoạch chi tiết và phân khu đô thị do UBND thành phố và các sở, ngành triển khai lập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, với tổng diện tích gần 4.400ha, chiếm gần 68% tổng diện tích đất nội thành của thành phố Gia Nghĩa, chiếm gần 16% diện tích toàn đô thị Gia Nghĩa.

Hiện nay, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại Gia Nghĩa còn một số khó khăn vướng mắc do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu đất ở của người dân gia tăng mạnh nhưng nguồn lực để triển khai các dự án nói riêng, hạ tầng đô thị nói chung còn nhiều hạn chế. Mặt khác, sự chồng chéo trong quy hoạch cũng đã ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi chính đáng của người dân, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương.

Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông Phan Anh Tuấn cho biết, quy hoạch tổng thể đô thị Gia Nghĩa (quy hoạch 1292) đã được phê duyệt, thực hiện gần tám năm nay, thời gian qua đã phát sinh nhiều điểm chưa hợp lý so với thực tiễn phát triển đô thị, không phù hợp trong quá trình thực hiện trong thực tế. Hiện Sở Xây dựng đang chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh cho phù hợp hơn với các điều kiện thực tế. Quan điểm của Sở là phải giữ được quy hoạch tổng thể đô thị Gia Nghĩa đã được phê duyệt; bên cạnh đó cũng tiếp thu kiến nghị và xử lý dứt điểm vấn đề chồng lấn quy hoạch; ưu tiên quy hoạch, xây dựng đô thị Gia Nghĩa theo hướng xanh, hiện đại, phát triển bền vững…

Cũng liên quan đến việc tỉnh Đắk Nông đang tổng rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị thành phố Gia Nghĩa. Bên cạnh sự quan tâm đặc biệt của người dân, chính quyền địa phương cũng như các bên liên quan, một số các đối tượng cũng đã lợi dụng việc này để đẩy giá đất tăng cao bất thường.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản gửi các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố để cảnh báo nguy cơ và yêu cầu không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng thị trường bất động sản” trên địa bàn. UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo công khai thông tin quy hoạch, tiến độ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp các đơn vị hành chính. Đồng thời yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm soát các hoạt động mô giới, kiểm soát việc tăng giá đất, khuyến cáo người dân không tham gia, giao dịch đối với các dự án bất động sản chưa đủ các điều kiện pháp lý để tránh các rủi ro không đáng có về một thị trường bất động sản “ảo”.