Xử lý nghiêm xe “dù”, bến “cóc”

Số hành khách sụt giảm do dịch Covid-19, trong khi tình trạng xe “dù”, bến “cóc” tiếp tục gia tăng là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách tuân thủ đúng quy định gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh.

Thanh tra giao thông Hà Nội lập biên bản xử phạt lái xe vi phạm chạy không đúng tuyến.
Thanh tra giao thông Hà Nội lập biên bản xử phạt lái xe vi phạm chạy không đúng tuyến.

Những ngày đầu tháng 4, số hành khách đến bến xe liên tỉnh ở Hà Nội bắt đầu tăng, tuy nhiên, khó khăn với các doanh nghiệp vận tải vẫn còn rất nhiều.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm lưu lượng xe hoạt động để phù hợp nhu cầu đi lại. Nhiều đơn vị vận tải hoạt động theo tuyến cố định tại các bến xe phải giảm tần suất hoạt động của phương tiện tại các bến xe, thậm chí đã có hiện tượng xe khách “bỏ bến”. Theo báo cáo của các đơn vị quản lý bến xe ở Hà Nội, hiện nay có 233 xe nghỉ hoạt động tại bến (trong đó, Trung tâm Khai thác bến xe 33 xe, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội có 168 xe, bến xe Nước ngầm có 32 xe). 

Với các phương tiện này, Sở GTVT Hà Nội sẽ xử lý (hoặc đề nghị các sở GTVT của địa phương khác có liên quan xử lý theo quy định).

Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư và công nghệ (Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội) Trần Hoàng cho biết, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải, cũng như giảm tình trạng xe khách bỏ bến, đơn vị thực hiện giảm phí dịch vụ đối với các chuyến phải ngừng hoạt động do yêu cầu phòng dịch; điều chỉnh kịp thời biểu đồ theo điều kiện thực tế; đồng thời phối hợp nâng cao chất lượng phục vụ vận chuyển hành khách từ khâu đầu bến. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng. Bởi trong khi các doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp quản lý bến xe bị sụt giảm hành khách nghiêm trọng, thì tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe khách trá hình đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội không chỉ làm mất trật tự, an toàn giao thông, còn gây thất thu thuế, xâm phạm quyền lợi của hành khách đi xe khi không có bảo hiểm cho trường hợp xảy ra sự cố. Theo thống kê của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, trong năm 2020, Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 6.363 trường hợp, phạt hơn 9,5 tỷ đồng, tạm giữ 83 phương tiện, tước giấy phép lái xe 782 trường hợp, tước phù hiệu của 178 phương tiện. Hai tháng đầu năm 2021, lực lượng này đã lập biên bản xử lý vi phạm 918 trường hợp, phạt hơn 1,14 tỷ đồng. Kiểm tra, xử phạt nhiều, song xe “dù”, bến “cóc” vẫn không có dấu hiệu giảm, tại một số khu vực trên các tuyến đường: Giải Phóng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng là lại diễn ra cảnh xe “dù” đón hành khách tại các bến “cóc”.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải sử dụng những chiêu trò rất tinh vi để cố tình lách luật, như đăng ký khai thác tuyến vận tải cố định chỉ thông qua địa bàn Hà Nội để được đón, trả khách, hàng hóa tại nhiều nơi trong thành phố. Hay tinh vi hơn là ký hợp đồng vận chuyển hành khách với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để nhận đặt chỗ, gom khách, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Có doanh nghiệp vận tải sử dụng cả xe biển số nước ngoài để hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch hai chiều, nhằm tránh né các thủ tục kiểm soát; một số xe sử dụng phù hiệu xe khách tuyến cố định làm giả…

Thực tế cho thấy, xe “dù” thường lựa chọn tuyến đường hoặc vị trí đón khách ở những khu vực gần trường đại học, cao đẳng, khu chung cư, bệnh viện… hoặc sẵn sàng đưa đón tận nơi. Trong khi đó, xe khách tuyến cố định chỉ có thể đón trả tại bến, rõ ràng là kém thuận tiện hơn. Về chất lượng dịch vụ, lại càng có sự chênh lệch bởi không ít doanh nghiệp kinh doanh xe khách tuyến cố định hiện nay chưa chú trọng đến việc đầu tư, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Thậm chí, còn sẵn sàng vòng vo dọc đường để bắt thêm khách, nhồi nhét, thu quá giá… dẫn đến việc hành khách có tâm lý ngại, sợ sử dụng xe tuyến cố định; chuyển sang lựa chọn xe khách trá hình hoặc các loại hình vận tải khác. Theo ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư và công nghệ (Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội) việc một số đơn vị sử dụng xe limousine gây mất trật tự giao thông đô thị, đồng thời lãng phí nguồn lực của xã hội. 

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, để giải quyết những bất cập nêu trên cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, dài hơi. Thành phố cần đầu tư và bố trí sắp xếp hợp lý, khoa học các bến xe khách liên tỉnh, cũng như mạng lưới luồng tuyến vận tải, bảo đảm thuận tiện cho người dân. Bổ sung nhiều tuyến buýt kết nối từ bến xe tới các khu dân cư, trường học, bệnh viện; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải, giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng, địa phương liên quan, trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi việc quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm hay việc xóa bỏ các bến, bãi trái phép; kiểm soát hoạt động của các văn phòng xe núp bóng hợp đồng du lịch… chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt.