Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất công trình thủy lợi tại Hải Dương

Những năm qua, tình trạng xây dựng trái phép trên đất công trình thủy lợi là phổ biến ở huyện Bình Giang (Hải Dương). Mặc cho dư luận bức xúc, hàng loạt vi phạm, biến đất công trình thủy lợi thành nhà mặt phố vẫn diễn ra.

Công trình xây dựng vi phạm trên bờ hữu kênh Kim Sơn, đoạn thuộc thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang. 
Công trình xây dựng vi phạm trên bờ hữu kênh Kim Sơn, đoạn thuộc thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang. 

Vi phạm tràn lan, chính quyền thờ ơ

Tình hình vi phạm đối với công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Bình Giang đang diễn ra ngày càng phổ biến, với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Các vi phạm đã gây mất an toàn và ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của công trình thủy lợi, nhiều công trình xâm hại trực tiếp vào công trình thủy lợi. Như công trình của hộ ông Phạm Khắc Thành xâm hại trực tiếp vào bờ hữu kênh Kim Sơn đoạn thuộc thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang. Ông Thành đã tự ý xây dựng nhà xưởng bằng khung sắt, mái tôn, với diện tích hơn 400 m2, cách mép nước 7 m, cách bờ kênh 4 m. Những vi phạm như hộ nhà ông Thành dọc bờ hữu kênh Kim Sơn diễn ra khá phổ biến, với nhiều cấp độ và quy mô. Theo quan sát của chúng tôi, dọc bờ kênh này như một khu phố, với các loại nhà ở, bến bãi, khu tập kết vật liệu xây dựng, chuồng, trại... Theo đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải - đơn vị quản lý kênh Kim Sơn, những vi phạm nêu trên hết sức nghiêm trọng, đe dọa an toàn, làm hư hại, giảm năng lực, hiệu quả hoạt động của các công trình thủy lợi, ảnh hưởng lớn đến công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 31-5, tổng số vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã phát hiện là 6.538 trường hợp, chủ yếu là xây dựng nhà ở, nhà tạm, lều quán, làm cầu, san lấp lấn chiếm, trồng cây, đổ rác thải... Tuy nhiên, kết quả xử lý vi phạm của các địa phương còn rất thấp, mới chỉ được 1.492 trường hợp (22,8%), số vụ tồn đọng chưa được xử lý là 5.046 trường hợp (77,2%). Các vi phạm được xử lý chủ yếu là hình thức lập biên bản, nhắc nhở hoặc phạt cảnh cáo. Riêng trên địa bàn huyện Bình Giang đến tháng 8-2020 có 510 trường hợp vi phạm; trong đó mới chỉ xử lý được 47 trường hợp. Việc để tồn đọng nhiều trường hợp vi phạm kéo dài chưa được xử lý, hoặc xử lý chưa triệt để chứng tỏ các cấp chính quyền địa phương còn thờ ơ, chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chi cục trưởng Thủy lợi Hải Dương Nguyễn Đức Trọng cho biết, mạng lưới hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh có quy mô rộng khắp, với số lượng lớn và đa dạng về chủng loại công trình, chịu tác động mạnh mẽ của các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, gắn liền đời sống của nhiều người. Việc vi phạm công trình thủy lợi như làm nhà ở, cầu, lều quán, bến bãi, trồng cây... đã diễn ra một cách tự phát cùng sự phát triển của đời sống xã hội. Mặt khác, những năm gần đây do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và dân số phát triển nhanh đã và đang làm gia tăng vi phạm. Đặc biệt, vi phạm chủ yếu xảy ra trên hệ thống Bắc Hưng Hải, bởi có hệ thống giao thông thủy thuận lợi.

Để quản lý, phòng chống vi phạm các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, trong khi các cấp, các ngành ở trên chỉ đạo sâu sát, kiên quyết không để phát sinh các vi phạm mới và yêu cầu giải tỏa các vi phạm đã xảy ra thì chủ quản lý các công trình thủy lợi và chính quyền cơ sở lại thờ ơ, buông lỏng quản lý, dẫn đến vi phạm ngày càng nhiều và nảy sinh vướng mắc, khó giải quyết.

Cần xử lý kiên quyết, dứt điểm

Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan đối với công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Bình Giang là do thiếu sự chỉ đạo kiên quyết của chính quyền các cấp, sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm còn hạn chế. Mặt khác, công trình thủy lợi chưa được cắm mốc chỉ giới rõ ràng; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc phát hiện vi phạm mới phát sinh ở nhiều nơi còn chưa kịp thời, báo cáo muộn và việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm còn hạn chế, nhất là từ cấp xã. Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Trọng cho biết, luật đã quy định rất rõ, các tổ chức, cá nhân quản lý công trình thủy lợi có chức năng phát hiện, xử lý vi phạm; UBND cấp xã có chức năng phát hiện và xử lý vi phạm. Trong 48 giờ sau khi phát hiện vi phạm, UBND xã phải tiến hành xử lý, nếu vướng mắc thì trả lời lại cho các cơ quan quản lý công trình thủy lợi để báo cáo UBND huyện tìm hướng giải quyết. Nhưng thực tế, cả công tác báo cáo phát hiện lẫn xử lý đều làm rất chậm, có nơi hoàn toàn không xử lý. Thí dụ như, có những vi phạm khi đơn vị quản lý công trình thủy lợi gửi báo cáo vi phạm lần đầu lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi: Công trình đã hoàn thành.

Về vấn đề này, theo Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Trịnh Thế Trường, tổng số vụ vi phạm trên hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải từ trước đến ngày 20-7-2020 là 1.895 vụ, mới chỉ xử lý, giải tỏa được 315 vụ. Trong đó, vi phạm phát sinh trong tháng 8-2020 là chín vụ, đã xử lý được một vụ. Lý do vi phạm tồn tại trên hệ thống Bắc Hưng Hải nhiều như vậy, theo đồng chí Trường là do các cấp chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm xử lý các vi phạm. Đặc biệt, UBND các xã có cá nhân, doanh nghiệp trực tiếp vi phạm nhưng không tổ chức biện pháp ngăn chặn vi phạm từ đầu. Đối với việc xử lý cũng chưa có sự phối hợp, còn tình trạng né tránh, nể nang trong xử lý vi phạm. Một điều đáng nói nữa là có những công trình vi phạm lại được UBND xã cấp giấy cho thuê đất đến 50 năm, như vi phạm của ông Phạm Khắc Thành trên bờ hữu kênh Kim Sơn, đoạn thuộc thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang.

Khi trao đổi ý kiến với chúng tôi, cả đồng chí Bí thư Đảng ủy và đồng chí Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang đều lấy lý do lịch sử để lại. Mặt khác khu vực đất lưu không dọc tuyến kênh Kim Sơn rộng, nên từ lâu xã đã có chủ trương hợp đồng với người dân để phát triển kinh tế. Do đó, có nhiều hộ dân được thuê đất trong công trình thủy lợi, với thời hạn lên đến 50 năm, dẫn đến việc xử lý vi phạm bị vướng mắc,
khó khăn.

Nhằm triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả việc giải tỏa lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai. Huyện sẽ xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm còn tồn đọng; đồng thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm mới phát sinh. Mọi việc tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp không vi phạm mới và tự tháo dỡ công trình vi phạm cũ diễn ra trong tháng 9. Sang đến tháng 10, huyện sẽ huy động hệ thống chính trị, các lực lượng, phương tiện tập trung giải tỏa, đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành.