Việt Nam dự Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2020

NDO -

Nngày 30-9, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2020 diễn ra theo hình thức chức trực tuyến, với sự tham gia của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn, các quan chức cao cấp và đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Đại diện Việt Nam tham dự Diễn đàn (Ảnh: Molisa).
Đại diện Việt Nam tham dự Diễn đàn (Ảnh: Molisa).

Tham dự còn có các khách mời đến từ Ban Thư ký APEC quốc tế, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương.

Đoàn đại biểu Việt Nam do bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn tham dự Diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội.

Đây là sự kiện cấp Bộ trưởng được tổ chức hằng năm trong khuôn khổ hợp tác APEC về phụ nữ và kinh tế. Diễn đàn năm nay do nền kinh tế chủ nhà của APEC 2020 là Malaysia chủ trì, với chủ đề “Thúc đẩy hệ sinh thái hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ”.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu bị thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, chủ đề này càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa đối với tất cả các nền kinh tế. 
Diễn đàn đã nghe Chủ tịch Nhóm Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế và Chủ tịch Nhóm công tác về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC trình bày báo cáo kết quả hoạt động của các Nhóm.

Các thành viên APEC cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội vốn đã tồn tại từ trước; gia tăng phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà phụ nữ và trẻ em gái ở các bối cảnh khác nhau phải đối mặt như bạo lực trên cơ sở giới, gánh nặng của công việc chăm sóc không được trả lương; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị đóng cửa trên diện rộng…

Trước thực tế này, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã cam kết đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của các nỗ lực phục hồi kinh tế, bằng cách tạo ra các cơ hội, phát huy hơn nữa tiềm năng của họ, xóa bỏ các rào cản và hướng tới sự phục hồi nhanh chóng, bao trùm và bền vững. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Datuk Seri Rina Mohd Harun, Bộ trưởng Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Malaysia, nhấn mạnh, việc trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế rất quan trọng. Đây cũng chính là một trong những nội dung để chúng ta có thể tăng cường, thúc đẩy việc hồi phục nền kinh tế trong bối cảnh mới một cách hiệu quả. Qua đó, có thể giải quyết một cách căn bản những yêu cầu, những nhu cầu cũng như có thể hỗ trợ một cách căn bản, hiệu quả cho những phụ nữ đang ở trong điều kiện phòng, chống dịch.

Thảo luận về các hoạt động hợp tác khu vực có thể thực hiện nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nỗ lực của các nền kinh tế thành viên, thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chia sẻ về những giải pháp quyết liệt về mặt chính sách và những nỗ lực hành động của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam trong thời gian qua nhằm vượt qua thách thức về kinh tế cũng như trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, phụ nữ và trẻ em gái càng trở nên yếu thế hơn và dễ bị tổn thương hơn trước các nguy cơ. 

Bà Nguyễn Thị Hà cũng kêu gọi tiếp tục thúc đẩy hợp tác công  tư trong các nỗ lực phục hồi kinh tế, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Thúc đẩy thực hiệnc ác cơ chế và sáng kiến hiện tại; đề xuất các dự án, ý tưởng về lồng ghép giới và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của APEC; xem xét sớm thành lập Mạng lưới nữ doanh nhân APEC.

Bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, những cam kết và khuyến nghị được đưa ra trong Tuyên bố của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC là những định hướng quan trọng để mỗi nền kinh tế, căn cứ vào yêu cầu cũng như nguồn lực có được sẽ đưa ra quyết sách phù hợp về lao động, việc làm cho phụ nữ vượt qua giai đoạn khó khăn này và hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Các ý kiến, quan điểm của Việt Nam cũng như của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC đã được phản ánh trong bản Tuyên bố chung được thông qua sau phiên đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn. 

Tuyên bố chung thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm của cả khu vực trong công cuộc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, nhằm hướng tới một tương lai kiên cường, thịnh vượng. 
Tuyên bố của Diễn đàn sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC vào cuối năm 2020.