Việt Nam có thể tăng trưởng GDP trung bình 6,76%/năm

Ngày 22-4, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19”. 

Mặc dù được đánh giá là điểm sáng toàn cầu về tăng trưởng nhưng do tác động của dịch Covid-19, tổng vốn phát triển toàn xã hội của Việt Nam năm 2020 tăng 5,7%, thấp hơn 4,5 điểm phần trăm so với năm 2019; tỷ trọng đầu tư/GDP đạt 34,4%. Để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững, CIEM khuyến cáo cần xây dựng một kế hoạch dài hơi. Theo đó, lộ trình phát triển kinh tế từ nay đến năm 2023 cần đưa ra biện pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm và gắn liền với đột phá về cải cách thể chế. Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.

Nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt

Ngày 22-4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam 2021 với chủ đề: “Tận dụng đòn bẩy THQG Việt Nam nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt”. Theo báo cáo của Brand Finance năm 2020, Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị THQG nhanh nhất thế giới (tăng 29% so năm 2019, lên 319 tỷ USD, đạt vị trí 33 trong top 100 THQG giá trị nhất thế giới). Tại hội thảo, các diễn giả đã cung cấp nhiều nội dung tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp nhằm tận dụng đòn bẩy THQG để xây dựng, đổi mới chương trình ma-két-ting và truyền thông thương hiệu doanh nghiệp hiệu quả; đưa ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu thâm nhập thị trường, thiết lập hệ thống thông tin và cập nhật kiến thức về thương hiệu, hướng tới những tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam trong bối cảnh mới.

BSR đạt doanh thu gần 21 nghìn tỷ đồng

Ngày 22-4, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cho biết, trong ba tháng qua, tổng sản lượng sản phẩm tiêu thụ của đơn vị đạt 1,56 triệu tấn, doanh thu đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 2.245 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 1.900 tỷ đồng. BSR cũng đạt 30 triệu giờ công an toàn, không có tai nạn. Năm 2021, BSR phấn đấu đạt sản lượng sản phẩm tiêu thụ khoảng 6,497 triệu tấn; doanh thu 70.661 tỷ đồng, nộp ngân sách 7.698 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng.

Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP 

Ngày 22-4, tỉnh An Giang đã tổ chức “Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành năm 2021”, với sự tham gia của gần 150 gian hàng thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, làng nghề trong và ngoài tỉnh.

* Cùng ngày, tỉnh Nam Định  tổ chức “Tuần lễ giới thiệu  nông sản an toàn năm 2021” với sự tham gia của 25 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá 200  nông sản sạch, sản phẩm OCOP của 35 doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh. Đây là dịp để các tổ chức, cá nhân xúc tiến thương mại, thúc đẩy sản xuất, nắm bắt nhu cầu khách hàng để nâng cao chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Khởi công dự án nhà ở xã hội số 2 tại Lạng Sơn

Ngày 22-4, Liên danh các nhà đầu tư gồm: Công ty cổ phần NNP và Công ty cổ phần CDC Hà Nội, tổ chức khởi công dự án nhà ở xã hội số 2 (Lạng Sơn Green Park) tại khu đô thị phía đông TP Lạng Sơn. Dự án có diện tích sử dụng đất hơn 1,85 ha tại phường Đông Kinh, quy mô xây dựng bốn tòa chung cư 18 tầng, với 796 căn hộ nhà diện tích từ 53 đến 70 m2 và 41 căn nhà ở liền kề, tổng diện tích sàn xây dựng gần 1 ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.